“Cánh tay Robot SCARA” của sinh viên HUTECH được tuyên dương tại Festival Sáng tạo trẻ toàn quốc

Vừa qua, tại Lễ tuyên dương và trao giải Festival “Sáng tạo trẻ” toàn quốc lần thứ IX – năm 2016, do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức tại tỉnh Vĩnh Phúc, nhóm sinh viên trường Đại học Công nghệ TP.HCM (HUTECH) đã được vinh danh với sản phẩm tiêu biểu “Cánh tay Robot SCARA trong kỹ thuật tạo mẫu in 3D”.
 
“Cánh tay Robot SCARA” của sinh viên HUTECH được tuyên dương tại Festival Sáng tạo trẻ toàn quốc
“Cánh tay Robot SCARA” của sinh viên HUTECH được tuyên dương tại Festival Sáng tạo trẻ toàn quốc
Nguyễn Tuấn và Ths. Phạm Bá Khiển nhận bằng khen tại Lễ tuyên dương và trao giải "Festival trẻ sáng tạo" toàn quốc lần thứ IX - năm 2016
 
Đó là Nguyễn Tuấn (Lớp 13DCT02), Nguyễn Thành Liêm (Lớp 13DCT01) và Nguyễn Khương Duy (Lớp 13DCT01), hiện đang là sinh viên năm 4, Khoa Cơ – Điện – Điện tử HUTECH.
 
Được biết, Festival năm nay, Ban tổ chức đã nhận được 219 hồ sơ tham gia bình chọn từ 44 tỉnh, thành đoàn và Đoàn trực thuộc. Sau quá trình bình xét, đã có 34 công trình, đề tài, sản phẩm sáng tạo tiêu biểu được chọn và HUTECH có 1 sản phẩm tiêu biểu vinh dự được tuyên dương.

 
“Cánh tay Robot SCARA” của sinh viên HUTECH được tuyên dương tại Festival Sáng tạo trẻ toàn quốc
 
Trong niềm vui nhận thưởng, bạn Nguyễn Tuấn chia sẻ: “Sản phẩm đã thành công và nhận được sự đánh giá cao từ Hội đồng Ban giám khảo, nhóm rất vui với thành quả này bởi Festival Sáng tạo trẻ không chỉ là sân chơi học thuật dành riêng cho sinh viên mà được mở rộng đối với tất cả các chuyên gia đến từ các công ty – doanh nghiệp – trung tâm nghiên cứu, các giảng viên tại các trường Đại học,...”.
 
Sản phẩm “Cánh tay Robot SCARA trong kỹ thuật tạo mẫu in 3D” có chức năng tạo mẫu nhanh các chi tiết thiết kế CAD trên máy tính. Về chi tiết, sản phẩm có thể in ra vật thể bằng nhựa PLA từ các bản thiết kế trên các phần mềm mô phỏng và thiết kế 3D bằng phương pháp FFF (Fused Filament Fabrication). Máy được điều khiển bằng chương trình số NC (Numerical control), có thể đọc được G-code  để vừa thực hiện chức năng in 3D. Đặc biệt, sản phẩm còn ứng dụng thuật toán điều khiển Robot SCARA vào điều khiển máy in 3D để đạt được độ chính xác yêu cầu khi gia công in 3D (sai số từ 0.05 đến 0.1 mm) và ứng dụng các phần mềm cắt lớp sẵn có như Slic3r, CURA,...để xuất mã G-code cho máy in hoạt động, các phần mềm Match3 để xuất chương trình điều khiển máy in 3D. Kết cấu máy dạng Robot SCARA được ứng dụng trong in 3D nội suy cao và có khả năng nội suy đường thẳng, đường cong và đạt độ chính xác cao. Xét về góc độ gia công tạo hình, máy có thể in các chi tiết với kích thước từ dài x rộng x cao trong khoảng từ 150x150x200 mm.

 
“Cánh tay Robot SCARA” của sinh viên HUTECH được tuyên dương tại Festival Sáng tạo trẻ toàn quốc
“Cánh tay Robot SCARA” của sinh viên HUTECH được tuyên dương tại Festival Sáng tạo trẻ toàn quốc
Sản phẩm “Cánh tay Robot SCARA trong kỹ thuật tạo mẫu in 3D”
 
Nói về tính thực tiễn của sản phẩm, ThS. Phạm Bá Khiển – Giảng viên hướng dẫn của đề tài cho biết: “In 3D là công nghệ mới mang giá trị thúc đẩy phát triển nhiều ngành như cơ khí, xây dựng, y học,... và trong tương lai có thể thay thế dần phương pháp gia công cơ, hạn chế ô nhiễm môi trường, rút ngắn thời gian tạo mẫu mới. Theo đó, sản phẩm Cánh tay Robot SCARA trong kỹ thuật tạo mẫu in 3D của HUTECH đã vận dụng tiến bộ khoa học hiện có kết hợp thêm nhiều cải tiến kỹ thuật cùng nhiều tính năng thông minh khác. Đó chính là điểm khác biệt giúp sản phẩm của HUTECH được đánh giá cao”.
 
Nói về quá trình thực hiện dự án, bạn Nguyễn Thành Liêm cho rằng: “Đã có nhiều khó khăn trong suốt thời gian lên ý tưởng, thiết kế, thử nghiệm sản phẩm. Đặc biệt, việc tìm kiếm các cơ cấu khí, động cơ linh kiện để lắp ráp máy gặp nhiều khó khăn, chưa kể nguyên liệu nhựa cho máy in phải nhập khẩu từ nước ngoài với chi phí cao đã khiến cả nhóm nhiều lần phải đau đầu. Rất may, chúng tôi có một giảng viên hướng dẫn tận tình cùng sự hỗ trợ, định hướng chuyên môn tích cực từ phía Khoa, vì vậy, mọi khó khăn đã ở lại phía sau thay vào đó là sự nhìn nhận từ xã hội đối với sản phẩm”.
 
Với Nguyễn Khương Duy, thành công của sản phẩm là sự kết hợp của nhiều yếu tố khác nhau: “Có lẽ niềm đam mê khoa học cộng với sự liều lĩnh và sự hỗ trợ cố vấn nhiệt tình từ phía Khoa đã giúp chúng tôi gặt hái thành công này. Nhóm xin gửi lời cảm ơn chân thành nhất đến thầy Phạm Bá Khiển – giảng viên hướng dẫn đã đồng hành và giúp chúng tôi gặt hái thành công”.
 
Thành quả đáng tự hào này là “trái ngọt” của những nỗ lực nghiên cứu của nhóm sinh viên, đồng thời là sự ghi nhận của quá trình đầu tư không ngừng cho hoạt động Nghiên cứu khoa học của Nhà trường liên tục nhiều năm qua. Từ thành công xuất sắc này, tin chắc HUTECH sẽ tiếp tục gặt hái thêm nhiều thành tích tự hào hơn nữa trong hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học sắp tới.

Kim Thoa
Phòng Tư vấn - Tuyển sinh - Truyền thông
14560247
×