Ngành công nghiệp điện tử: Hướng đến sản phẩm công nghệ cao thương hiệu Việt

(Thanh tra)- Hiện, sản phẩm điện tử Việt Nam đã có mặt ở 50 nước và vùng lãnh thổ, trở thành một trong những ngành xuất khẩu (XK) có thế mạnh sau nhiều năm thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Những thị trường XK chủ yếu là Mỹ, Thái Lan, Trung Quốc và Nhật Bản... Với kim ngạch thu về hàng năm đều tăng cao. Tuy nhiên, để thực sự tham gia có hiệu quả vào chuỗi cung ứng sản phẩm toàn cầu, tăng trưởng vững chắc, ngành công ghiệp điện tử phải hướng đến sản phẩm công nghệ cao thương hiệu Việt.

Ngành công nghiệp điện tử: Hướng đến sản phẩm công nghệ cao thương hiệu Việt 9
Sinh viên Trường Đại học MaRa (Malaysia) tham quan phòng Thí nghiệm mở của khoa Cơ - Điện - Điện tử (HUTECH)
Mới chỉ gia công, lắp ráp

Điện tử từ lâu được xem là ngành kinh tế mũi nhọn với nhiều chính sách khuyến khích khối doanh nghiệp (DN) Nhà nước và tư nhân tham gia để đẩy nhanh hội nhập nền điện tử ASEAN và thế giới. Theo đó, năm 2007, Thủ tướng Chính phủ đã thông qua kế hoạch tổng thể phát triển ngành này đến năm 2010, tầm nhìn đến năm 2020 với kỳ vọng kim ngạch XK toàn ngành sẽ đạt 5 tỷ USD vào năm 2010. Thế nhưng, đến năm 2010, tổng giá trị XK chỉ đạt gần 3,6 tỷ USD, đáng chú ý là khối DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) như: Fujitsu, Canon, Orion-Hanel… chiếm đến 90% tỷ trọng hàng XK. Các khu vực tư nhân trong nước và DN Nhà nước chỉ chiếm 1%, quá ít so với DN FDI.

Các chuyên gia công nghệ thông tin cho rằng, công nghiệp điện tử nước ta chưa tạo được mũi nhọn đột phá, thế mạnh riêng về sản phẩm. Bởi, phần lớn, các sản phẩm công nghiệp phụ trợ đều nhập khẩu hoàn toàn do chưa chú trọng đến phát triển cơ sở hạ tầng và đồng bộ các yếu tố phụ trợ cho ngành công nghiệp điện tử nên sản phẩm chủ yếu là gia công lắp ráp.

DN ngành điện tử tuy đông về số lượng nhưng hầu hết là tự phát, chưa hoạt động chuyên nghiệp, chưa có tính liên kết. Doanh số chỉ tập trung vào nhóm các Cty lớn và DN FDI. Trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế năm 2008 - 2009, nhiều Cty FDI rơi vào tình trạng hoạt động cầm chừng, ảnh hưởng không nhỏ đến công suất chung toàn ngành. Những năm qua, khu vực DN tư nhân nở rộ nhưng chỉ về lượng, còn về chất chưa được đầu tư đúng mức.

Nguồn nhân lực cung cấp cho ngành này đòi hỏi kiến thức cao, nhưng đến nay vẫn chưa có chính sách hỗ trợ đào tạo bài bản nên thiếu hụt lớn nhân lực chất lượng cao. Đặc biệt, do tính chất công việc còn mang nặng tính gia công, lắp ráp sản phẩm do thiếu trình độ kỹ thuật nên sản phẩm bán ra giá thấp. Điều này đã dẫn đến tình trạng cơ cấu sản phẩm mất cân đối nghiêm trọng. Sản phẩm điện tử tiêu dùng chiếm đến 80% tổng lượng sản phẩm, trong khi sản phẩm chuyên dùng chỉ chiếm 20%. Vì vậy, nhiều năm qua, ngành điện tử vẫn chưa có bước đột phá để đưa Việt Nam vào bản đồ điện tử thế giới.

Cần chính sách hỗ trợ

Ông Lê Quang Lân, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách Thương mại đa biên (Bộ Công thương) nhận định, kim ngạch XK ngành công nghiệp điện tử sẽ có nhiều khả năng bứt phá trong thời gian tới do làn sóng đầu tư nước ngoài đang đổ vào ngành này ngày càng nhiều với vốn đầu tư lớn. Chẳng hạn dự án (D.A) đầu tư sản xuất máy in của Tập đoàn Canon; D.A sản xuất chip điện tử, linh kiện điện tử của Tập đoàn Intel… Lợi thế về chi phí nhân công, nên những đối thủ lớn như Thái Lan, Malaysia và Trung Quốc cũng có xu hướng dịch chuyển các nhà máy sang Việt Nam.

Khi hội nhập ngành công nghiệp điện tử, ASEAN đề ra mục tiêu xây dựng thành một chuỗi cung ứng cho toàn thế giới. Để làm được điều này, mỗi nước trong khối ASEAN phải tham gia sản xuất, cung ứng mặt hàng tạo thế riêng. Lĩnh vực lắp ráp linh kiện điện tử từ trước đây có khoảng 60 DN tham gia, tuy nhiên khi thuế suất nhập linh kiện giảm còn 0 - 5%, hầu hết các đơn vị đã rút lui khỏi hoạt động này, khiến chúng ta mất nhiều cơ hội tham gia vào thị trường. Vì vậy, đây là lúc cần phải cơ cấu lại sản phẩm, chọn những thế mạnh sẵn có để ưu tiên phát triển.

Các chuyên gia trong lĩnh vực này cho rằng, về phía các DN, cần có sự liên kết chặt chẽ với nhau để từng bước hình thành một mảng chuyên biệt trong ngành công nghiệp điện tử toàn cầu. Dựa vào những lợi thế tiềm năng về tài nguyên, nguồn nhân lực trẻ… để tập trung phát triển các sản phẩm điện tử chuyên dùng, đặc biệt là các sản phẩm công nghệ cao để từng bước nâng cao năng lực công nghệ của các DN và xây dựng thượng hiệu Việt cho các sản phẩm của ngành này.

Bên cạnh đó, Nhà nước cần xây dựng chính sách thuận lợi hơn để mời gọi các DN lớn trên thế giới đầu tư vào Việt Nam cũng như ưu tiên cho các DN trong nước tham gia. Vấn đề cơ sở hạ tầng và đồng bộ các yếu tố phụ trợ cho ngành công nghiệp điện tử cần được quan tâm đầu tư đúng mức để tạo nền tảng cơ bản và ổn định cho ngành công nghiệp điện tử phát triển. Hiện, Chính phủ cũng đã ban hành một số chính sách mới về phát triển công nghiệp hỗ trợ, trong đó có ngành công nghiệp điện tử với nhiều ưu đãi về đầu tư công nghệ, đất đai, vốn, thuế… Điều quan trọng là, phải giám sát được chặt chẽ việc triển khai thực hiện của các ngành, các cấp, tránh sự nhiêu khê, thủ tục rườm rà hoặc gây khó dễ…  để các DN nói chung, DN điện tử nói riêng tiếp cận và thụ hưởng các chính sách này một cách kịp thời, đầy đủ nhất.
Hà Lê
0
widget avatar
Viện Hợp Tác Và Phát Triển Đào Tạo

HUTECH chào bạn!
Mời bạn gửi thắc mắc của mình tại đây để được giải đáp nhanh chóng nhé!

×