Cùng giảng viên HUTECH "điểm mặt" các hình thức thi cử ở các quốc gia có nền giáo dục nổi bật!

 

Hôm nay, HUTECH mời các sĩ tử 2k4 dạo một vòng thế giới để xem thử, teen trên thế giới thi tốt nghiệp THPT như thế nào? Xem xong, dám chắc bạn sẽ thoải mái ngay, bởi vì, chuyện thi cử luôn tồn tại, chỉ khác hình thức và mục đích của nó mà thôi!

 

 

… Chuyện gì sẽ xảy ra khi thay thế kỳ thi tốt nghiệp bằng một hình thức xét tuyển thú vị khác? Vô tình “chơi lớn” đặt chân vào một cuộc thi khốc liệt bậc nhất thế giới, hay khi được cả xã hội dành sự quan tâm đặc biệt khi biết bạn là sĩ tử…thì tâm trạng của bạn sẽ ra sao?

… Nào, hãy cùng theo dõi quý Thầy/Cô của HUTECH chia sẻ về “chuyện khoa cử” ở những quốc gia thầy cô đã “dành cả thanh xuân” học tập, làm việc trước khi công tác tại HUTECH nha!

#1 - TRUNG QUỐC

CAO KHẢO - KỲ THI KHỐC LIỆT NHẤT THẾ GIỚI!

 

 

Đã từng học tập và tu nghiệp tại Trung Quốc, cô Vân Anh cảm nhận sâu sắc những áp lực các bạn học sinh bản địa phải trải qua. Thi cử thời nào cũng có, mỗi nơi mỗi vẻ, mỗi thời điểm mỗi khó khăn riêng…

… Tháng 11 hằng năm, những sĩ tử Trung Quốc lại bận rộn chuyện thi cử với mong muốn đỗ đạt vào các trường chất lượng. Ở Trung Quốc, để được học tập tại Đại học, các thí sinh phải trải qua Kỳ thi tốt nghiệp THPT (Hội khảo) và Kỳ thi Tuyển sinh Đại học Toàn quốc (Cao khảo).

Để nhận được giấy báo trúng tuyển từ các trường Đại học trong mơ, các thí sinh phải nỗ lực rất nhiều tại Cao khảo, thường được ví von là "Kỳ thi khốc liệt nhất thế giới" với 10 triệu thí sinh tham dự mỗi năm. Trung Quốc là cái nôi của Nho giáo, tư tưởng khẳng định giá trị bản thân qua con đường học vấn rất được đề cao. Kỳ vọng của gia đình nội, ngoại đặt lên vai đứa con một là cực kỳ to lớn. Chưa kể, đất nước có nền kinh tế thứ 2 thế giới đòi hỏi các teen phải tích lũy nhiều kiến thức, kỹ năng để thích ứng với tốc độ chóng mặt. Ôi thôi, ti tỉ thứ phải ghi nhớ, đau đầu thật đó!

Những ngày teen #2K4 Việt Nam tất bật chuẩn bị cho mùa thi, cô lại nhớ về tháng ngày còn là một nữ sinh cấp 3, cũng căng thẳng lo lắng cho tương lai khi đứng trước kỳ thi quan trọng. Ngày đó, việc thi cử đã rất khó khăn: sự lựa chọn cho sĩ tử rất ít, định hướng nghề nghiệp rất mông lung, thông tin tiếp cận thị trường lao động hầu như chẳng có, và những tấm vé vào Đại học chỉ dành cho những học sinh xuất sắc vượt qua những đề thi đánh đố, hóc búa. Ôm mộng vào Đại học, cô chỉ có thể cố gắng hết sức để vượt qua mà chẳng mong có phép màu nào xảy ra.

Từ câu chuyện của mình và nhiều người trẻ khác, cô Vân Anh thấy đam mê, quyết tâm là động lực lớn lao nhất để mỗi thí sinh có thể bình tĩnh, vượt qua những khó khăn đang vấp phải. Từ đó, các bạn sẽ đủ sáng suốt để trang bị kiến thức và các “bảo bối” cho hành trình vượt vũ môn của mình!

"Quay trở lại Việt Nam, cô thấy rất rõ lợi thế các bạn trẻ hiện nay có được: nhiều trường Đại học, nhiều ngành học tiềm năng, nhiều phương thức xét tuyển linh hoạt,... Áp lực thi cử giảm đi rõ rệt, và những cánh cửa vào Đại học cho GenZ như rộng mở hơn. Các bạn học sinh THPT thậm chí còn nắm chắc cơ hội vào Đại học khi còn chưa tốt nghiệp" - TS. Kiều Thị Vân Anh, Trưởng khoa Trung Quốc học HUTECH chia sẻ.

#2 - NHẬT BẢN

THI KHÓ CHẲNG LO , VÌ ĐÃ CÓ TINH THẦN SAMURAI BẤT DIỆT!

 

 

Năm mới chạm ngõ là niềm vui của nhiều người, nhưng cũng là nỗi lo của các học sinh Nhật Bản, khi phải đối mặt với Senta Shiken (Kỳ thi Xét tuyển Đại học chung của Nhật Bản), được tổ chức thường niên vào giữa tháng 1.

…Tại đó, người ta sẽ bắt gặp hình ảnh các học sinh tại các ngôi đền, phần để cầu nguyện cho một năm mới thêm nhiều may mắn, phần để "cầu may" cho kỳ thi xét tuyển đại học quốc gia sắp tới và là dịp để phụ huynh và học sinh cùng “xoa dịu tâm hồn đang dậy sóng” trước mùa thi của mình.

Thầy Xuân Hưng tiết lộ thông tin thú vị: Tại Nhật Bản, học sinh không thi tốt nghiệp như nhiều quốc gia khác, các bạn được xét tốt nghiệp căn cứ trên kết quả hoàn thành các môn học và số giờ tham gia hoạt động ngoại khóa, hoạt động xã hội. Còn đối với Senta Shiken, các học sinh sẽ phải bỏ sức ôn luyện thật nhiều để có thể đạt được kết quả tốt, lấy đó để xét tuyển đại học. Chưa kể, các bạn còn phải tham gia kỳ thi riêng của các trường đại học tổ chức, với độ khó không-thể-cãi-bàn.

"Nhìn học sinh ra sức học phụ đạo sau những giờ học trên lớp, thầy cảm thấy các bạn đang thực sự nghiêm túc với tương lai của mình. Bởi lẽ, nhiều gia đình Nhật Bản quan niệm đây là cuộc thi quyết định tương lai con em họ" - thầy Hưng cho biết.

Hơn 8 năm làm việc trong môi trường đại học tại Nhật Bản, thầy Hưng cảm nhận sâu sắc vai trò của kỳ thi này trong đời sống văn hóa và tinh thần của người Nhật. Và tinh thần Samurai bất khuất tự bao đời chính là điểm tựa tinh thần vững chắc giúp học sinh Nhật Bản vượt qua kỳ thi, dù cho có nhiều cam go và thử thách. Thầy Hưng mong sao các sĩ tử tại Việt Nam cũng trang bị tinh thần vững vàng như thế và xuất sắc vượt vũ môn, cho những kết quả như ý.


Thầy nhắn nhủ thêm, rằng thành công sau này của các bạn không phụ thuộc nhiều vào điểm số, những kỹ năng mềm, khả năng thích ứng mới chính là chìa khóa mở ra nhiều “cánh cửa hứa” cho bạn. Hãy thật tự tin vững bước trên con đường tương lai của chính mình các bạn nhé! 

#3 - HÀN QUỐC

NGÀY THI TỐT NGHIỆP - NGÀY CẢ NƯỚC ĐỒNG HÀNH CÙNG SĨ TỬ!

 

 

Tương tự như Việt Nam, Hàn Quốc cũng có một kỳ thi tốt nghiệp THPT, có thể lấy kết quả xét tuyển Đại học, gọi là Suneung. Có thể nói, Suneung không chỉ là khoa thi dành cho học sinh Hàn Quốc sau 12 năm đèn sách, mà đó còn là một ngày cả xã hội hướng đến các sĩ tử, tạo điều kiện tốt nhất để các bạn hoàn thành tốt kỳ thi, chỉ trong một ngày duy nhất: các công trường tạm ngưng hoạt động để không gây tiếng ồn, các sàn giao dịch chứng khoán mở muộn để tránh ùn tắc giao thông, lực lượng công an sẵn sàng đưa thí sinh đến các điểm thi…

ThS. Khương Thị Thanh, Trưởng bộ môn Ngôn ngữ Hàn Quốc, Đông Phương (Hàn Quốc học), Khoa Hàn Quốc học HUTECH chia sẻ: Nhiều người Hàn Quốc quan niệm rằng, trường Đại học bạn theo học sẽ quyết định cuộc đời học sinh. Điều này giải thích vì sao số lượng các tri thức tại Hàn Quốc luôn đạt mức cao. Hiểu rõ điều này, nhiều gia đình thi nhau cho con em mình học tập tại các cơ sở giáo dục chất lượng, thuê gia sư giảng dạy tại nhà, tất bật ôn luyện tại các cơ sở luyện thi… với mong muốn con mình đạt được kết quả xét tuyển Đại học cao nhất.

Cô Thanh chia sẻ thêm: Áp lực thi cử đè nặng lên vai các bạn học sinh Hàn Quốc, và những nỗ lực các bạn cùng gia đình bỏ ra là điều ai ai cũng thấy được. Cô hy vọng rằng, các bạn học sinh Việt Nam mình đừng tự tạo thêm áp lực cho mình, phụ huynh cũng vậy - hãy để các bạn học, thi với tâm thế thoải mái nhất!

Thời nào cũng những kỳ thi, đó là dấu mốc trong cuộc đời các bạn trẻ. Cô chỉ mong các bạn hãy chuẩn bị tâm thế như những chiến binh, bước vào phòng thi với tâm thế thoải mái và chinh phục kỳ thi đầy ngạo nghễ. Làm như thế đơn giản là vì, các bạn còn trẻ, và có nhiều con đường đến với giấc mơ Đại học, đừng quá lo lắng vì “đường nào cũng sẽ đến Rome ... à, đến Đại học nữa” các bạn nhé!

#4 - HOA KỲ

TỰ HỎI: 'THI TỐT  NGHIỆP CÓ CẦN KHÔNG TA?'

 

 

Học tập tại Hoa Kỳ, thầy Nguyễn Chí Thắng chia sẻ: “các chế độ thi cử, học tập Đại học rất khoáng đạt”. Có nhiều bang thậm chí không tổ chức kỳ thi tốt nghiệp. Hình thức xét tuyển Đại học tại Hoa Kỳ cũng rất thoải mái khi sử dụng điểm SAT, các bài luận nêu rõ mục tiêu, định hướng phát triển bản thân. Thậm chí, những học sinh sở hữu thế mạnh về nghiên cứu, hoạt động xã hội, hoạt động văn nghệ - thể thao có ưu thế rất lớn khi xét tuyển Đại học. Tra cứu cụm từ ‘School Spirit’, bạn sẽ phát hiện nhiều điều thú vị lắm đấy!

“Có nhiều bạn học sinh THPT nhận định, giỏi thể thao, năng khiếu nhưng kết quả học tập chưa tốt thì không thể học tập tại môi trường Đại học. Điều này có thể đúng với ngày trước, khi xét tuyển Đại học không có nhiều lựa chọn mà chú trọng vào các bài thi kiến thức. Tuy nhiên, hiện nay, các trường Đại học tại Việt Nam đã đào tạo thêm nhiều ngành học mới lạ, tiềm năng, áp dụng nhiều phương thức xét tuyển linh hoạt, nâng cao cơ hội học tập Đại học cho các bạn trẻ. Những bạn trẻ sở hữu năng khiếu, tài lẻ sẽ dễ dàng tỏa sáng tại môi trường Đại học!” - ThS. Nguyễn Chí Thắng, Phó Trưởng khoa Luật HUTECH nhận định. 

#5 - VƯƠNG QUỐC ANH

NGƯỜI TRẺ CÓ ĐA DẠNG SỰ CHỌN LỰA SAU BẬC PHỔ THÔNG

 

 

Tại Vương quốc Anh, học sinh có cái nhìn rất thoáng với những lựa chọn sau khi tốt nghiệp THPT: có thể chọn học nghề, học Đại học, hay lựa chọn 'gap year' để có thêm trải nghiệm sống trước khi bước vào quá trình học tập khác. Nhìn chung, các bạn ấy quan niệm, thanh xuân chỉ có một, cho nên, luôn muốn dành khoảng thời gian đó cho những trải nghiệm đáng nhớ nhất.

Cũng vì thế, không khí thi cử ở Vương quốc Anh không quá căng thẳng mà còn có phần thoải mái - đó cũng chính điều mà các bậc phụ huynh mong muốn con em mình có được trên con đường học vấn, cũng như trong cuộc sống sau này.

Đã qua thời học sinh với nhiều thành tích ấn tượng, Thầy Thanh Tân nghĩ vui: thi cử đôi khi chỉ là một cơn “ác mộng” với các học sinh, khi các bài thi thường không đánh giá hết cả quá trình nhưng lại đòi hỏi sự chuẩn hóa kiến thức, tư duy, kỹ năng làm bài, sự tập trung từ các bạn học sinh. Do đó, thầy cũng chia sẻ 03 bí quyết sau đây giúp các teen THPT sẽ tự tin trước khi bước vào phòng thi:

1. Về kiến thức: Nên dùng những sơ đồ để hệ thống hóa kiến thức, ôn luyện theo khung giờ phù hợp để kiến thức được dung nạp tối đa.

2. Về tinh thần: Nên chọn chế độ nghỉ ngơi hợp lý để giữ tinh thần thật thoải mái, có thể dùng âm nhạc hoặc thể thao (như thầy hay nghe nhạc và đánh đàn) để giải tỏa căng thẳng. Tinh thần một khi đã vững, mọi bài thi đều dễ dàng vượt qua.

3. Về kế hoạch: Các bạn nên lên trước kế hoạch cho cuộc đời mình: "soạn sẵn" plan A, plan B, plan C để không bị bỡ ngỡ kể cả khi dự định trước đó chệch hướng.

“Mến gửi teen 2k4: Chúc các bạn tự tin, chân cứng đá mềm trước Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022. Và đừng quên rằng mình còn những khoảnh khắc tươi đẹp nhất của tuổi 18 để tận hưởng, các bạn nhé!" - NCS. ThS. Nguyễn Lưu Thanh Tân bày tỏ. 

#6 - SINGAPORE

MONG MUỐN VÀO TRƯỜNG DANH TIẾNG,

TEEN SINGAPORE BẬT NGAY 'MODE NGHIÊM TÚC'

 

 

 Tại "quốc đảo sạch nhất thế giới" - Singapore, người ta thường thấy các sĩ tử "vác theo" những chiếc balo to tướng trên đường đến trường, chứa nhiều sách vở và tài liệu học tập. Và người ta thấy rõ sự nghiêm túc trên gương mặt sĩ tử trước ngày thi Đại học” - ThS. Tăng Thông Nhân, Phó Trưởng khoa Quản trị Du lịch - Nhà hàng - Khách sạn HUTECH cho biết.

Tại Singapore, nhiều sĩ tử đã đặt mục tiêu vào các trường có danh tiếng, với các chính sách ưu đãi học phí và nhiều suất học bổng giá trị. Nhiều gia đình đã hướng con em mình theo học tại các trường này vừa để thụ hưởng các chương trình giáo dục chất lượng, vừa học tập trong một môi trường “hợp túi tiền”. Chính điều này đã thôi thúc các thí sinh đèn sách không ngừng, dẫn đến tỉ lệ chọi cực cao. Áp lực chắc chắn là cũng cao tương ứng!

Thầy Thông Nhân cho biết thêm: “Đã từng là một sĩ tử, từng gặp nhiều khó khăn trong thi cử ở Việt Nam (trước khi sang Singapore học tập) nhưng thầy cảm thấy vô cùng thoải mái. Đơn giản vì thầy rất sợ phải đối diện với những áp lực ảnh hưởng kết quả thi cử nên phải chủ động khắc phục từng vấn đề, từng vấn đề một”: xác định thật kỹ ngành học phát triển trong 4-8 năm tới, chọn học nhóm thay vì các tụ điểm luyện thi để tinh thần thật sự thoải mái, tự tạo động lực thường xuyên trong suốt quá trình học tập - Thầy Thông Nhân nhắn gửi.

#7 - AUSTRALIA

...KHI ĐIỂM SỐ CHƯA PHẢI LÀ TẤT CẢ!

 

 

Khi học lớp 11 và 12, các teen tại Úc chỉ học 6 môn (5 môn tự chọn và 1 môn bắt buộc là Anh văn). Tại đó, các bạn tha hồ tập trung sức học của mình cho những môn học yêu thích. Các môn học này cũng sẽ là môn thi cho Kỳ thi tốt nghiệp được tổ chức cuối năm 12. Kết quả của kỳ thi này cùng quá trình học tập sẽ là căn cứ xét tuyển vào Đại học.

“Sự bình đẳng trong giáo dục tại Úc, hình thành tư duy phản biện từ rất sớm, xây dựng thói quen tự học chính là những điều nước Úc mang lại cho chính học sinh của mình. Đây là một điểm cộng khiến cô chọn nước Úc là nơi học tập và tu nghiệp” - ThS. Phạm Ngọc Trâm Anh, giảng viên ngành Marketing HUTECH chia sẻ.

Cô Trâm Anh chia sẻ thêm: “Dù ở đất nước nào, có tiến bộ đến đâu, đã gọi là “thi cử”, chắc chắn sẽ có những áp lực, cạnh tranh, không riêng tại Úc. Nhưng cô tin chắc, ở độ tuổi 18, teen THPT đất nước mình sẽ hiểu rõ những ích lợi khi đối mặt với thử thách để nâng cao giá trị bản thân. Vì vậy, một khi bạn đã chọn Đại học là điểm đến tiếp theo sau cấp 3, hãy bằng mọi cách thi vào ngôi trường mình hằng ao ước, học ngành mình hằng theo đuổi. Học hết sức, đừng quên chơi hết mình để tận hưởng tuổi 18 tươi đẹp nhất bạn nhé!”  


TIN LIÊN QUAN
Tạo E-Postcard gửi sĩ tử: Gom lời chúc yêu thương để mùa thi không Chiến dịch đồng hành cùng sĩ tử trước kỳ thi THPT được HUTECH gầy dựng đến nay là mùa thứ 4! Suốt 4 mùa qua, chiến dịch luôn đổi mới hợp với xu hướng trẻ nhưng có một “sản phẩm” vẫn ở đó và nguyên vẹn ...
Chúng ta đã mạnh mẽ về đích cùng nhau Hơn cả ngàn lời chúc, tinh thần #StrongTogether góp chung một sức mạnh, đó là... Từ giữa tháng 6, chiến dịch Strong Together - đồng hành với thí sinh 2k3 trong kỳ thi tốt nghiệp THPT do HUTECH phát động đã chính thức diễn ra. ...
'Bí quyết' cán đích trước khi điều chỉnh nguyện vọng Tiin.vn - Thay vì chờ đợi thời gian điều chỉnh nguyện vọng từ ngày 29/8, thí sinh hoàn toàn có thể trúng tuyển đại học đúng ngành yêu thích khi lựa chọn xét tuyển theo phương thức xét tuyển học bạ tại Trường ...
Mình làm được, bạn cũng làm được, cố lên 2k3 Chưa đầy 2 ngày nữa, những thí sinh còn lại của Kỳ thi Tốt nghiệp THPT sẽ bước vào trận chiến cuối cùng. Với thật nhiều tin yêu, HUTECH cùng các Đại sứ #StrongTogether, các thí sinh của đợt thi đầu tiên đã âm ...
#Q&A: 5 điều phải nắm khi thi Tốt nghiệp đợt 2 Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đưa ra nhiều văn bản hướng dẫn và quy định các thí sinh trong đợt 2 kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới. Theo đó, ngày 5/8 tới đây, 26.000 thí sinh trên cả nước sẽ bước vào đợt 2 kỳ ...
Để tự tin sáng tạo khi học ngành Marketing Tuoitre.vn - Nhóm ngành Truyền thông - Marketing trở thành lựa chọn hàng đầu để theo học của đông đảo thí sinh trong mùa xét tuyển đại học 2021. Sinh viên ngành Marketing luôn cần sự bản lĩnh và khả năng sáng tạo ...