Sinh viên hiến kế nâng cao giá trị sâm Ngọc Linh

Với công trình nghiên cứu khoa học nâng cao giá trị của cây sâm Ngọc Linh, nhóm sinh viên của Trường ĐH Công nghệ TP.HCM đã đoạt giải nhì Sinh viên nghiên cứu khoa học của Bộ GD-ĐT năm 2018.
 
Sinh viên hiến kế nâng cao giá trị sâm Ngọc Linh 9
 
Nhóm gồm 5 bạn: Nguyễn Thị Kim Ngân, Châu Ngọc Thảo, Nguyễn Ngọc Hải, Phan Phú Thắng, Huỳnh Hữu Thịnh đã thực hiện đề tài “Nghiên cứu ảnh hưởng của chất cảm ứng, hệ thống đèn LED cải tiến, môi trường hai lớp đến quá trình nhân giống vô tính, tạo củ và tích lũy saponin trong sâm Ngọc Linh (Panax vietnamensis Ha et Grushv)” ròng rã suốt 2 năm.
 
Nguyễn Thị Kim Ngân (trưởng nhóm nghiên cứu) cho biết về lý do mà mình và các bạn trong nhóm dành nhiều thời gian để nghiên cứu về công trình khoa học hữu ích này: Sâm Ngọc Linh là loài thực vật đặc hữu của Việt Nam, chất lượng xếp ngang những loại sâm quý nhất của thế giới... Đây là loài dược liệu đắt tiền (hiện tại có giá bán trên thị trường khoảng 85 triệu đồng/kg) và nhu cầu thị trường rất cao. Tuy nhiên, do con người khai thác cạn kiệt nên sâm đang đứng trước nguy cơ bị tuyệt chủng...

Kim Ngân cho biết thêm: “Loại sâm này có đặc điểm tăng trưởng rất chậm, yêu cầu sinh thái khắt khe; quá trình nuôi trồng sâm nhân tạo gặp không ít khó khăn. Đã có nhiều nghiên cứu về quy trình nhân giống nhanh, tuy nhiên, việc nghiên cứu về nhân giống vô tính, tạo củ vẫn chưa nhiều, chưa có nghiên cứu về kiểu bổ sung các thành phần môi trường nuôi cấy lên sự tăng trưởng, tạo củ và tích lũy saponin ở cây sâm Ngọc Linh. Chính vì vậy, nhóm của tụi mình dành rất nhiều tâm huyết trong đề tài nghiên cứu này”.
 
Và nhóm đã tìm ra vai trò của ánh sáng trong nhân giống vô tính sâm Ngọc Linh bằng cách sử dụng đèn LED. Huỳnh Hữu Thịnh, thành viên của nhóm cho biết: “Hiện nay, đèn LED là thiết bị chiếu sáng hứa hẹn cho các phòng nuôi cấy mô và nâng cao khả năng tăng trưởng sinh học nhờ vào kích thước nhỏ, cấu trúc rắn, an toàn và tuổi thọ cao. Cụ thể, nhóm tụi mình đã cho ánh sáng LED xanh dương và đỏ kết hợp với tỷ lệ 50/50. Sau 16 tuần nuôi cấy, mẫu tăng trưởng khỏe, tạo củ với kích thước lớn, hình thái củ tương tự với củ sâm Ngọc Linh trong tự nhiên. Quá trình thí nghiệm phải tiến hành rất nhiều lần, nhưng kết quả ban đầu rất phấn khởi”.
 
Chia sẻ về những khó khăn trong quá trình nghiên cứu công trình này, Nguyễn Ngọc Hải, thành viên của nhóm, cho biết: “Trong quá trình nghiên cứu, tụi mình nuôi mẫu cây như người mẹ nuôi con, lúc nào cũng chỉ mong con lớn nhanh và khỏe mạnh”.
 
Theo Châu Ngọc Thảo, thành viên của nhóm, không chỉ có ý nghĩa khoa học, đề tài nghiên cứu của nhóm còn mang đến triển vọng trong việc thiết kế hệ thống thủy canh kết hợp chiếu sáng LED cải tiến, tăng khả năng tăng trưởng của sâm Ngọc Linh trong nhà kính.

Kim Ngân kỳ vọng: “Thông qua nghiên cứu quá trình tạo củ nhân giống vô tính, công trình đã đưa ra giải pháp giúp tăng sức sống của cây con, tạo số lượng lớn cây giống khỏe mạnh, tạo điều kiện nhân rộng mô hình nuôi cây sâm Ngọc Linh nhân tạo cũng như đưa sâm Ngọc Linh vào thương mại hóa ngày một mở rộng và có tiếng vang xa”.

Lê Thanh
Báo Thanh niên
 
14572638
×