Tết muộn

Tết muộn 3Hai mươi chín tháng chạp. Tết đã gõ cửa mọi nhà. Tết đến trên cành mai khoe sắc vàng trước ngõ. Những chậu vạn thọ, cúc mâm xôi, hoa mào gà, cúc đồng tiền... đua nhau khoe sắc vàng, cam, đỏ khắp các nẻo chợ quê.

Tôi - cô sinh viên năm hai được nghỉ từ ngày đưa ông Táo về trời. Đang đắm mình trong sắc xuân rực rỡ, tôi ngơ ngẩn trước màu tím của dãy chậu hoa mang tên mình: hoa thạch thảo. Vừa chọn được hai chậu ưng ý nhất thì nhận được điện của chị Bằng Lăng: "Alô! Tết này em có về thăm ba không?". Thoáng ngập ngừng, tôi ấp úng: "Dạ, em cũng chưa biết nữa chị à. Em còn bận tổng vệ sinh và cúng tất niên với mẹ”. Giọng chị như van lơn: "Em về đi, trong bốn chị em mình chỉ có em là còn son trẻ, chưa bận bịu chồng con. Năm nay cu Bim của chị còn nhỏ quá, bà nội không cho về. Em qua đây chị gửi quà và tiền cho ba xài Tết. Em đừng ghét ba nữa. Dù sao đó cũng là ba của mình".

"Dù sao đó cũng là ba của mình". Tôi lẩm bẩm lặp lại lời chị Bằng Lăng. Ba tôi ư? Việc xảy ra đã mười hai năm rồi, một con giáp đã trở lại mà tôi vẫn không sao quên được.

Nhà tôi thuở ấy nghèo xơ xác. Mẹ tôi vừa làm thợ may vừa nấu rượu để nuôi bốn chị em gái chúng tôi ăn học. Ba tôi làm thợ hồ, ngày được ba chục ngàn thì uống rượu hết bốn chục. Rồi ngật ngừ say. Chân đi xiêu vẹo, vừa chui qua cái hẻm tối vào trong xóm là đã cất tiếng chửi ầm ĩ. Toàn những lời thô tục. Ông chửi cái thứ đàn bà không biết đẻ con trai. Sinh ra toàn lũ vịt trời. Ông chửi lũ con gái vô dụng, tối ngày chỉ biết ăn rồi xí xa xí xọn, không biết đỡ đần việc nặng nhọc.

Ông chửi ông Trời ở ác, bất công, không cho ông người nối dõi tông đường. Ông chửi mấy thằng bạn nhậu làm biếng làm nhác, người ốm tong như cây sậy mà sao sanh nhiều con trai (?!)... Hôm nào cũng vậy, hễ trời chạng vạng tối, nghe dấu hiệu "tiếng chửi" là mẹ dẫn tôi qua nhà dì Sáu trốn.

Nhà dì Sáu cách nhà tôi một con sông nhỏ. Dì chỉ có ba thằng con trai nên hễ thấy con gái là dì mê. Dì nói: "Đến lúc già cả, có con gái để nương tựa chăm sóc, con dâu sao bằng con gái ruột của mình". Mẹ tôi thì cả đời ước ao được một thằng con trai như dì. Mẹ tôi không dám về nhà. Phải đợi thật khuya cho ba ngủ xong mới len lén bơi xuồng qua sông. Có khi đang núp trong buồng dì Sáu, mẹ phải chui cả xuống gầm giường vì ba cầm cây roi tre lội sông qua, rồi để nguyên quần áo ướt nhẹp xồng xộc vào nhà hàng xóm tìm mẹ. Ngày thường đã thế. Ngày Tết mẹ tôi còn khổ sở gấp ngàn lần. Vừa phải thức khuya may đồ để kiếm ít tiền  sắm Tết , vừa phải đối phó với những cơn thịnh nộ bất thình lình của ba.

Trong đầu tôi vẫn còn nhớ như in cái Tết năm ấy. Hai mươi chín tháng chạp, chị Hai Sim, chị Ba Mua được mẹ phân công ở nhà để bán rượu và giấm cho những người trong xóm (dịp Tết bán rất chạy). Mẹ, chị Tư Bằng Lăng và tôi đi chợ Cái Răng từ lúc gà mới gáy đợt đầu. Một chiếc ghe chở đầy những thứ mẹ thu hoạch được từ cây nhà lá vườn. Những quầy dừa cứng cạy để làm mứt, mớ chuối khô, những quả đu đủ vàng ươm, những con gà kêu quang quác.Chị Tư và mẹ thay phiên nhau chèo. Hết một quãng nước xuôi rồi đến nước ngược.Tôi được ưu tiên nằm ngủ co ro trong một khoang ghe. Sương xuống ướt cả chiếc khăn mẹ trùm lên người cho tôi.

Tiếng nước vỗ long bong dưới mạn thuyền ru tôi ngủ. Tôi nằm mơ thấy mình xúng xính trong bộ đồ mới bằng vải hoa đi chơi với nhỏ Phương con thím Tư đầu xóm.Tang tảng sáng, mẹ tôi  đã hết hàng. Mẹ mua cho hai chị em tôi mỗi đứa một miếng chuối chiên nóng hổi, giòn rụm. Mẹ lại chèo tới chèo lui trên chợ nổi để mặc cả mua được những quả dưa hấu ruột đỏ và những cây dưa cải bắp to xanh ngắt với giá phải chăng. Và dĩ nhiên không bao giờ thiếu hai ký thịt heo và một chục hột vịt. Miếng chuối chiên giòn ngọt vừa chui vào bao tử, tôi khoát nước dưới sông rửa hết chất mỡ bóng nhờn ở tay rồi mân mê bốn khúc vải mẹ mới mua cho bốn chị em tôi.

Tối nay khi may xong đồ của khách, thế nào mẹ cũng rị mọ suốt đêm để may đồ mới cho lũ con rách rưới. Có khi mẹ may đến gần giao thừa mới xong. Chị em tôi buồn ngủ ríu cả mắt nhưng ai cũng cố thức đến giao thừa để ướm thử bộ đồ mới.

Mẹ tôi rất thích màu tím. Vì thế mẹ đặt bốn đứa con gái toàn tên những loài hoa màu tím: Sim - Mua - Bằng Lăng - Thạch Thảo. Tết năm nào cũng vậy, mẹ không bao giờ may đồ mới cho mình, mẹ dành tiền để mua hai chậu hoa thạch thảo. Khoảng tám giờ sáng thì việc mua sắm đã xong, mẹ con tôi quay về, chở theo cả cái tết của gia đình trên chiếc ghe cũ kỹ.

Chi Hai, chị Ba đang sửa sang, dọn dẹp bàn thờ, nghe sợi dây lòi tói cột ghe vang lên dưới bến vội chạy xuống, phụ khiêng đồ đạc lên. Ba tôi không có nhà. Ông được mời đi rước ông bà ở những nhà hàng xóm từ sáng. Mâm cỗ rước ông bà nhà tôi dù ít món nhưng được mẹ chuẩn bị rất công phu. Nào dĩa bánh tét màu lá cẩm trông giống như cái hoa, dĩa gỏi gà vàng ươm, dĩa thịt kho nước dừa mỡ trong vắt, thịt nạc vàng màu mật, tô canh vịt hầm măng nổi váng mỡ vàng tươi, dĩa dưa hấu đỏ au... Trước bàn thờ, mẹ lầm thầm khấn vái, nét mặt vô cùng thành kính. Ba tôi ngật ngưỡng về. Hơi thở nồng nặc mùi rượu.Trong lòng chị em tôi đã hơi run sợ. Ông rít lên từ ngoài cổng: "Bông với hoa, chỉ rách việc!".

Choang! Tiêu đời hai chậu hoa thạch thảo. Tôi chạy ra sau hè, bịt chặt hai tai lại, nức nở. Nhìn mẹ tôi đang thắp nhang trước bàn thờ, ông quát: "Sinh toàn lũ vịt trời. Ông bà nào nhận lễ mà khấn!". Ầm. Loảng xoảng. Mâm cỗ tan tành. Những trái dưa hấu còn dán chữ phúc, lộc, thọ lăn long lóc, bể tét bét. Thế là hết Tết! Chiều ba mươi buồn như một nấm mồ mới đắp. Mẹ lùa bốn chị em xuống ghe, chở về nhà ngoại. Nước mắt năm mẹ con rơi xuống dòng sông đặc quánh phù sa. Tức nước vỡ bờ. Mẹ tôi dứt khoát đòi ly hôn. Tòa chấp nhận. Bốn chị em đều theo mẹ về ở bên ngoại.

Mấy cậu, mấy dì cảm thông đùm bọc, giúp đỡ, mẹ tôi được một số vốn để sáng bán rau ngoài chợ, chiều đi gánh nước thuê, chắt chiu tảo tần nuôi bầy con ăn học. Thương mẹ, các chị tôi đều đỗ đạt và có việc làm ổn định. Còn tôi, chỉ hai năm nữa là ra trường và trở thành cô giáo. Trong ký ức tuổi thơ tôi , hình ảnh người cha hiện lên thật hãi hùng và khủng khiếp. Giống như lão phù thủy hay những con ác quỷ trong truyện cổ tích. Tình thương đối với ba cũng tắt ngấm tự lâu rồi.

Từ khi chia tay mẹ tôi, nghe đâu ông ấy lấy một người phụ nữ khác. Bà có mang rồi sinh con trai. Ông mừng và cưng thằng nhỏ như cục vàng, khoe khắp xóm là mình có "gậy" để chống rồi. Rồi ông lại chửi mẹ tôi là thứ đàn bà ở ác nên không sanh được con trai. Thế rồi trong một lần cãi nhau, bà vợ sau nói huỵch tẹt ra rằng thằng con mà ông quý hơn cục vàng là con của người đàn ông khác.

Ông đánh, chửi, đuổi bà đi. Bà nguây nguẩy gom đồ đạc bỏ đi một nước với người đàn ông dáng vẻ phong lưu khác.Từ đó ba tôi trầm tính hẳn, lặng lẽ vào ra trong căn nhà trống trải như một cái bóng. Một lần đang ngồi học bài trong nhà, tôi ngước lên, giật mình thấy ông đứng ngoài cổng nhìn vào. Tôi đóng sầm cửa lại.Những nỗi khổ mà ông gánh chịu không thấm vào đâu so với những gì ông đã gây ra cho mẹ con tôi. Tôi không thể nào quên được chiều ba mươi Tết năm ấy. Thế mà chị Bằng Lăng lại bảo tôi về thăm ông ta. Không đời nào!

Tối hai mươi chín, sau một ngày tất bật mua sắm, lau chùi, dọn dẹp, tôi vừa xem tivi vừa chiêm ngưỡng hai chậu hoa mang tên mình. Dưới ánh điện sáng, sắc tím thạch thảo ngời lên thật đẹp. Điện thoại của chị Mua: "Alô! Mai em qua chở chị về thăm ba nghen". Tôi bực dọc: "Em không đi đâu!". Chị vẫn dịu dàng: "Tết nhất để ba một mình tội lắm. Mình về thăm chút thôi cũng được". Chưa kịp trả lời thì chị đã cúp máy. Đang lúi húi với nồi thịt kho sau bếp, mẹ tôi chạy lên: "Ai gọi vậy con?". "Dạ, chị Ba, chị kêu con ngày mai chở chị về thăm ông ấy". Mẹ tôi lặng lẽ thở dài rồi lại trở xuống bếp. Trên tivi đang chiếu cảnh một gia đình sum họp ngày Tết.

Sáng ba mươi Tết, tôi qua nhà chị Ba thật sớm, trong đầu dự định chở chị đến nhà ông ấy rồi để mặc chị đi xe buýt về. Chỉ có ba chục cây số chớ có xa xôi gì! Chuyến đi chậm hơn tôi tưởng. Phải cột mớ đồ đạc của chị Ba, rồi phải qua nhà chị Tư để lấy đồ gửi. Thiệt mệt gì đâu. Xe cộ nườm nượp trên đường. Ở các chợ quê hàng hóa bày bán lấn ra cả vỉa hè.

Một chiếc ghe tam bản dưới sông cặp lộ xe chở toàn hoa thạch thảo. Lo căng mắt lái xe nên tôi không còn tâm trí đâu mà ngắm với nghía. Bốn mươi phút sau, chị em tôi đã đến ngôi nhà xưa. Vẫn ngôi nhà lá cũ kỹ năm nào. Ba tôi đang lúi húi giẫy những búi cỏ trong sân. Nghe tiếng xe dừng lại, ông ngẩng lên nhìn. Trời! Tôi không còn nhận ra ông nữa. Tóc ông đã bạc hơn phân nửa. Đôi mắt sâu hoắm trên gương mặt hốc hác. Thấy chị em tôi, ông quăng dao đứng dậy. Ánh mắt ngời lên sự mừng rỡ.

Miệng ông móm mém, run run: "Tụi... con... về rồi đó hả?". Giọng chị Ba nghèn nghẹn: "Ba, ba có khỏe không ba?". Tự nhiên mắt tôi cay cay. Có một cái gì đó xốc lên mũi, cay nồng. Tôi cố nén lại tiếng sụt sịt nho nhỏ nghẹn ứ trong cổ họng. Đây là mảnh sân ngày xưa, chị em tôi chơi keng, chơi  năm mười. Dưới gốc ổi đào bên hông nhà như vẫn còn vang tiếng cười vui tuổi nhỏ. Tôi và nhỏ Phương chơi nhà chòi ở đó.

Nhìn sang góc bàn ông Thiên, tôi giật mình vì phát hiện một khoảnh sân trồng đầy hoa thạch thảo. Ông ấy trồng hay sao? Liền sau đó, một chuỗi ký ức kinh hoàng lại lần lượt hiện ra: tiếng chửi rủa, tiếng mâm bát bị quăng loảng xoảng, mấy trái dưa hấu bị  bể toang hoác, hai chậu hoa thạch thảo bầm giập, mảnh chậu vỡ tan tành...

Tôi gạt nước mắt quay ra xe. Giọng ba tôi yếu ớt: "Ở lại ăn với ba bữa cơm rồi hãy về, con!". Tiếng "con" ông thốt ra run run như pha lẫn nước mắt . Giọng tôi ứ nghẹn: "Con phải về... với... mẹ”. Ba móc trong túi áo ra một cái bao lì xì:

"Ba mừng tuổi con. Ba xin lỗi... chuyện hồi xưa". Tôi gạt phăng ra: "Thôi, con không lấy đâu. Ba giữ mua... rượu mà uống". Tôi nổ máy, quay đầu xe, ra đến ngõ tôi tròn mắt kinh ngạc vì thấy mẹ tôi xách một giỏ đệm căng phồng đứng đó tự bao giờ.

DƯƠNG HẢI HÀ (Hậu Giang)

0
Các tin khác
Tuổi trẻ HUTECH sôi nổi chung tay hiến máu tình nguyện Vừa qua, Đoàn Thanh niên - Hội Sinh viên HUTECH phối hợp cùng Trung tâm Hiến máu nhân đạo TP.HCM tổ chức Ngày hội Hiến máu tình nguyện lần 3, thu...
“Bật mí” 03 bí kíp để sinh viên HUTECH có một mùa thi thành công Kỳ thi Học kỳ 2A năm học 2023-2024 của HUTECH đang cận kề. Ngay lúc này, các thần dân của trường hãy cùng “bỏ túi” những mẹo nhỏ dưới đây để có một...
CLB Tình nguyện Cộng đồng CVC trao yêu thương tại Mái ấm Thiện Phước Nhân Ái Ngày 29/3, CLB Tình nguyện Cộng đồng (CVC) Trường Đại học Công nghệ TP.HCM (HUTECH) đã tới thăm và tặng quà cho các em nhỏ tại Mái ấm Thiện Phước...
Tuyển thủ HUTECH: Nhiệt huyết tinh thần thể thao, tự tin mang tài năng toả sáng Học hết sức trên giảng đường, chơi hết hết mình trên các sân đấu thể thao lớn nhỏ, nói sinh viên HUTECH là thế hệ gen Z giỏi kiến thức, đa tài lẻ,...
Đỉnh như HUTECH: sở hữu “lò” đào tạo tài năng trẻ hoành tráng, chuyên nghiệp Không phải ngồi “lì” ở giảng đường, sinh viên Trường Đại học Công nghệ TP.HCM (HUTECH) còn được “bật tung năng lượng”, sống hết mình với đam mê tại...
Vượt mọi giới hạn tài năng, sinh viên HUTECH chứng minh bản lĩnh làm sếp Đâu chỉ tỏa sáng ở đấu trường nghệ thuật, thể thao, Gen Z Trường Đại học Công nghệ TP.HCM (HUTECH) chẳng ngại thử sức, chứng minh tài năng, bản...
×