Những ngành học khỏi lo thất nghiệp

Đó là những ngành ngoại ngữ tiếng Anh, Kế toán, Công nghệ thông tin, tiếng Nhật, tiếng Hàn… Theo nhiều chuyên gia tuyển sinh, sinh viên tốt nghiệp những ngành này rất ít khi thất nghiệp vì cơ hội việc làm nhiều. Với những ngành học này, sinh viên được học như thế nào, ra trường làm việc ở đâu, điểm chuẩn có cao không? Dân trí giới thiệu từng ngành để thí sinh tham khảo Ngành học tiếng Anh - tiếng Anh Thương mại

 

Sinh viên học ngành Tiếng Anh được cung cấp kiến thức cơ bản về ngôn ngữ và văn hóa, kiến thức chuyên sâu về ngoại ngữ Tiếng Anh, có năng lực sử dụng ngôn ngữ (Tiếng Việt, Tiếng Anh) ở trình độ cao. Kết thúc chương trình, người học có khả năng sử dụng thành thạo các kỹ năng ngôn ngữ (nghe, nói, đọc, viết) tương đương với trình độ 4 CAE của ĐH Cambridge (Anh) hoặc 550 điểm TOEFL của ETS (Mỹ).


Sau khi tốt nghiệp đại học chuyên ngành tiếng Anh, sinh viên được trang bị những kiến thức và kỹ năng cần thiết để có thể làm việc ở nhiều lĩnh vực ngành nghề khác nhau, điển hình là biên-phiên dịch, giảng viên ngoại ngữ, cán bộ chương trình, thư ký, trợ lý, cán bộ đối ngoại trong các bộ, ngành, các cơ quan, tổ chức, công ty trong nước và quốc tế có sử dụng tiếng Anh, nhân viên các đại sứ quán, các cơ quan ngoại giao, các tổ chức phi chính phủ, phóng viên, biên tập viên tại các cơ quan báo chí, các hãng thông tấn, hướng dẫn viên du lịch…

Những ngành học khỏi lo thất nghiệp 8
Sinh viên khoa Tiếng Anh (HUTECH) không chỉ học tập tốt mà bên cạnh đó còn tham gia hoạt động xã hội tích cực (Trong ảnh: ThS Lê Văn Tuyên - Trưởng khoa Tiếng Anh (đầu tiên bên phải) chúc mừng 3 sinh viên của khoa được kết nạp Đảng ngày 19-5-2011). Ảnh: N.Bích


Hiện nay chuyên ngành tiếng Anh thương mại được nhiều thí sinh ưa chuộng nhất. Một số trường đào tạo tiếng Anh thương mại gồm ĐH Kỹ thuật Công nghệ TP.HCM (HUTECH), ĐH Thương mại Hà Nội, ĐH Kinh tế Quốc dân... Năm 2010, điểm trúng tuyển ngành học này dao động từ 17 - 29 điểm.
Sinh viên học tiếng Anh Thương mại ngoài việc được cung cấp kiến thức cơ bản về ngôn ngữ và văn hóa, kiến thức chuyên sâu về ngoại ngữ tiếng Anh ở trình độ cao còn có thêm kiến thức về thương mại, kinh doanh, quản trị, tài chính và kinh tế xã hội và có các kỹ năng cần thiết để làm việc và phát triển trong môi trường hiện đại, hội nhập.


Sau khi tốt nghiệp, sinh viên làm ở các vị trí, Biên - phiên dịch viên tiếng Anh chuyên ngành (Thương mại, Kinh tế, Quản trị, Tài chính, Ngân hàng...) tại các công ty truyền thông, viện nghiên cứu (ngôn ngữ, kinh tế, quản lý...); nhân viên các bộ phận chức năng như kinh doanh, truyền thông, dịch vụ, dự án, marketing... thuộc các doanh nghiệp và tổ chức có sử dụng Tiếng Anh; giáo viên Tiếng Anh chuyên ngành tại các trường dạy nghề, cao đẳng, đại học thuộc khối kinh tế; nghiệp vụ bán hàng, xúc tiến thương mại quốc tế; đầu tư quốc tế; phát triển thị trường và chăm sóc khách hàng; phát triển hệ thống phân phối; marketing, PR…
Ngành Công nghệ thông tin


Hiện nay hầu hết các trường ĐH, CĐ đều mở chuyên ngành này để đáp ứng nhu cầu lớn của thời cuộc hiện nay tiến tới công nghệ số hóa. Bên cạnh đó, điểm chuẩn vào ngành học này lại không cao chỉ dao động từ điểm sàn của Bộ là 13 - 23 điểm. Nhiều sinh viên học ngành này, ra trường tìm được ngay việc làm. Mỗi trường ĐH, CĐ đào tạo chuyên ngành này theo thế mạnh của mình. Tuy nhiên để phân loại các chuyên ngành học CNTT nhưng bậc học ĐH, thí sinh có thể tham khảo sau đây:
Khoa học máy tính: thiên về các lý thuyết cơ bản của ngành CNTT như lý thuyết tính toán, khoa học vật liệu, lý thuyết xử lý hình ảnh, âm thanh, lý thuyết khai thác cơ sở dữ liệu…; Kỹ nghệ máy tính: thiên về đào tạo lý thuyết và ứng dụng liên quan đến thiết kế và sản xuất phần cứng máy tính; Kỹ nghệ phần mềm: lý thuyết và ứng dụng các công nghệ sản xuất phần mềm, quy trình, công cụ, ngôn ngữ lập trình; Hệ thống thông tin: lý thuyết và ứng dụng CNTT trong việc quản lý hệ thống thông tin của doanh nghiệp, tổ chức; Ứng dụng CNTT: ứng dụng và triển khai CNTT trong các lĩnh vực hoạt động của cuộc sống.


Mỗi ngành chính lại có thể chia ra một số hướng hẹp hơn như trong Kỹ nghệ phần mềm có thể có hướng chuyên sâu về phần mềm nhúng, về các hệ thống phân tán…
Điều đầu tiên để theo học ngành CNTT là bạn nên học tốt Toán và đầu óc tư duy tốt. Ngoại ngữ cũng là điều bắt buộc khi theo học CNTT.
Ngành CNTT có rất nhiều ứng dụng trong các công việc của của sống, do đó học ngành này xong, bạn có cơ hội làm ở nhiều lĩnh vực khác nhau như: Lĩnh vực truyền thông, an ninh mạng, xử lý dữ liệu số...h ay rất nhiều công việc từ sửa chữa máy tính, lắp đặt mạng, thiết kế đồ họa, cài đặt phần mềm….


Các sinh viên có thể đi theo hướng khoa học là nghiên cứu sâu xa về những thuật toán nhằm tối ưu hóa chúng, nghiên cứu và phát triển về trí thông minh nhân tạo, về “thị giác” máy tính, về khả năng nhận dạng ngôn ngữ... Tuy nhiên, đây là một lĩnh vực khoa học rất khó.


Ngành Kế toán
Cũng như ngành CNTT, ngành Kế toán hiện nay cũng được nhiều trường ĐH, CĐ mở ra để hút thí sinh. Tốt nghiệp ngành Kế toán, sinh viên ít khi thất nghiệp vì nhu cầu xã hội với ngành này hiện nay rất lớn.
Ngành Kế toán trang bị cho sinh viên các kiến thức cơ bản, hệ thống, tiếp cận với tri thức hiện đại về Kế toán - Kiểm toán để giúp sinh viên giải quyết các tình huống phức tạp trong các môn học chuyên ngành Kế toán, Kiểm toán, kết hợp với khả năng phân tích và định hướng chiến lược trong hoạt động chuyên môn.
Sinh viên được trang bị các kỹ năng nghề nghiệp, bao gồm kỹ năng xử lý các nghiệp vụ, kỹ năng phân tích và xử lý tình huống, thu thập, xử lý và cung cấp thông tin về các nghiệp vụ kinh tế phát sinh, lập và phân tích các báo cáo tài chính.
Ngoài ra, sinh viên cũng được trang bị kỹ năng phân tích tài liệu Kế toán, Kiểm toán theo hướng chuyên sâu, phân tích và trình bày các vấn đề một cách rõ ràng, logic và có tính sáng tạo, có kỹ năng phối hợp và thực hiện công việc trong môi trường làm việc theo nhóm, kỹ năng lãnh đạo và các giá trị đạo đức nghề nghiệp từ đó nâng cao khả năng thành công trong môi trường làm việc của các Kế toán, Kiểm toán viên chuyên nghiệp.
Sinh viên tốt nghiệp ngành Kế toán có thể hướng tới những vị trí làm việc trong hầu hết các doanh nghiệp thuộc mọi lĩnh vực, hệ thống các cơ quan quản lý tài chính của Nhà nước, các đơn vị thuộc lĩnh vực công, các tổ chức xã hội, tổ chức phi chính phủ….
Giáo dục mầm non, tiếng Nhật, tiếng Hàn
Trước thực trạng thiếu giáo viên hiện nay và nhu cầu lớn của xã hội về GDMN hiện nay, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 239/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phổ cập GDMN với tổng ngân sách Nhà nước hơn 14.000 tỷ đồng. Thời gian tới, cùng với việc triển khai đầy đủ các nội dung của Đề án phổ cập GDMN nông thôn, ngành Giáo dục sẽ tham mưu Chính phủ tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách phát triển GDMN, đặc biệt là chế độ chính sách cho đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên mầm non, trẻ mầm non và các cơ sở GDMN.
Ngành học tiếng Nhật, tiếng Hàn cũng là một trong những ngành có tỉ lê việc làm cao khi các tập đoàn kinh tế lớn của Nhật Bản và Hàn Quốc luôn có nhu cầu tuey6n3 dụng lao động.


Hồng Hạnh (Dân trí)

0
×