Chế tạo ra các linh kiện điện tử xoắn

Chế tạo ra các linh kiện điện tử xoắn  3

Các nhà khoa học đã chế tạo ra được các linh kiện điện tử cong, duỗi và hiện nay, họ vừa tiến thêm một bước tiến mới, đó là tạo ra các linh kiện điện tử có thể có những hình dạng phức tạp, kể cả dạng xoắn.

Nhóm nghiên cứu của Trường đại học Northwestern và Illinois vừa cải tiến công nghệ mà họ gọi là "pop-up" (bật lên) để tạo ra các mạch có thể xoắn. Những mạch điện tử có hình dáng như vậy sẽ được sử dụng ở những nơi mà các loại linh kiện điện tử phẳng, không cong không sử dụng được, ví dụ như trong cơ thể con người.

Nhóm nghiên cứu đã phát triển một phương pháp chế tạo các linh kiện điện tử có thể duỗi được, có khả năng làm tăng mức độ duỗi (lên tới 140%) và cho phép người sử dụng bắt các mạch phải uốn hoàn toàn. Công nghệ mới này hứa hẹn tạo ra các loại thiết bị cảm ứng dẻo mới, các máy truyền tín hiệu, các loại pin quang điện mới và các linh kiện vi lỏng, ngoài ra còn có các ứng dụng khác để sử dụng trong y học và thể thao.

Trước đây, năm 2005, nhóm nghiên cứu đã phát triển một dạng silic tinh thể đơn một chiều có khả năng duỗi, có thể duỗi theo một hướng mà không làm biến đổi các tính chất điện của nó. Đầu năm 2008, họ chế tạo ra các mạch tích hợp có khả năng duỗi. Tiếp theo, các nhà nghiên cứu phát triển một dạng công nghệ mới cho phép các mạch được đặt trên các bề mặt gợn sóng. Công nghệ này sử dụng một loạt các bộ phận mạch có diện tích xấp xỉ 100 micromet được nối với nhau bằng các "cầu pop up" kim loại.

Các bộ phận mạch này nhỏ tới nỗi mà khi được đặt trên bề mặt gợn sóng, chúng không bị uốn cong, tương tự như khi các toà nhà không bị nghiêng khi đứng trên mặt đất. Hệ thống này hoạt động vì các bộ phận này được nối bằng các dây kim loại có thể bật lên khi bị uốn hoặc kéo duỗi.

Trong nghiên cứu của mình, nhóm đã chế tạo các cầu pop up có hình chữ S, khiến cho linh kiện điện tử xoắn lại.

Nguồn: NACESTI

0
×