Bài học kế thừa tiếp nối từ câu chuyện cây đậu phộng mạnh mẽ

HUTECH's Face - Làm thế nào để hạn chế mầm bệnh ung thư trong các nguồn nguyên liệu thực phẩm? Làm thế nào để chủng vi khuẩn vừa có thể sống trong thực phẩm, vừa an toàn với sức khỏe con người? Gần 15 năm trăn trở cho một ý tưởng, 04 năm cho hành trình nghiên cứu - phát triển. 730 ngày đồng hành cùng nhau hoàn thiện bài nghiên cứu ứng dụng vi khuẩn lên men lactic. Từ 20 lần thí nghiệm thất bại tưởng chừng phải bỏ cuộc đến cuộc hành trình dài 1.722,2 km đầy trắc trở…

 

Đó là câu chuyện về hành trình miệt mài của sinh viên Viện Khoa học Ứng dụng HUTECH nhiều thế hệ, mà đại diện là Nguyễn Bảo Trân - Nguyễn Ngọc Gia Bảo - Trần Minh Thư với giải nhất tại Giải thưởng Sinh viên Nghiên cứu khoa học cấp Bộ năm 2019.

 

Chia sẻ về kỷ niệm trong quá trình thực hiện nội dung, cả nhóm nhắc nhiều đến hình ảnh “cây đậu phộng mạnh mẽ”. Đây là vật phẩm từ phòng thí nghiệm mà nhóm muốn mang từ TP.HCM ra Hà Nội để minh hoạ cho đề tài. Nhưng trở ngại đầu tiên xuất hiện: theo quy định hàng không, sẽ không được phép mang đất lên máy bay, mà từ trước mẫu cây nhóm sử dụng sống trong môi trường đất. Khi tất cả đang lo lắng thì một ý tưởng loé lên: tách cây đậu phộng ra khỏi đất và quấn nước xung quanh rễ, đóng gói cẩn thận để việc vận chuyển diễn ra một cách an toàn. Điều kỳ diệu đã đến: khi bước vào buổi thuyết trình, các cây đậu phộng trưng bày vẫn xanh tươi và là “trợ thủ đắc lực” tăng tính thuyết phục cho cả bài thi.

 

 

“Chính sự chuẩn bị chu đáo về sản phẩm, linh hoạt giữa lý thuyết báo cáo và thực tế nghiên cứu đã thuyết phục hội đồng để dành được giải thưởng cao nhất. Đây không chỉ là kết quả của nhóm mà là thành quả của rất nhiều thế hệ sinh viên đi trước” - Nhóm trưởng Bảo Trân chia sẻ.

 

Theo như chia sẻ của Trân, vi khuẩn lên men latic được sinh viên Công nghệ sinh học bắt đầu nghiên cứu từ năm 2005. Mỗi năm, các nhóm sẽ tìm hiểu sâu hơn về đề tài. Nhóm Trân, Thư, Bảo là những người tiếp nối và hoàn thiện: “Có những lúc cả ba muốn bỏ cuộc khi vùi mình ở phòng thí nghiệm mà không tìm được hướng ra. Nhưng nhờ sự hỗ trợ tận tâm của TS. Nguyễn Hoài Hương và các anh chị đi trước đã giúp nhóm vực dậy tinh thần hoàn thiện được các quy trình thí nghiệm và đưa ra kết quả cuối cùng” - Bảo Trân nhớ lại.

 

Kế Thừa - Tiếp Nối: tinh thần cao quý trong nghiên cứu khoa học đã được nhóm Trân - Thư - Bảo tô đẹp thêm trong hành trình của mình. Từ hình ảnh “cây đậu phộng mạnh mẽ” những giấc mơ và niềm cảm hứng sẽ được lan toả, nuôi dưỡng đam mê nghiên cứu đến đông đảo thế hệ sinh viên HUTECH.

- HUTECH's Face -

 

Nói về lý do chọn đề tài, Bảo Trân cho biết: "Mọi người đều biết là ở Việt Nam tỷ lệ mắc ung thư gan rất cao. Nguyên nhân phần lớn đến từ thực phẩm hằng ngày, nhất là những loại hạt như bắp hay đậu phộng. Nên việc xử lý hạt trước khi gieo sẽ giúp ngăn ngừa mầm bệnh từ gốc". Với sự hướng dẫn của TS. Nguyễn Hoài Hương (giảng viên ngành Công nghệ sinh học HUTECH), quá trình nghiên cứu của nhóm gồm định danh, khảo sát hoạt tính sinh học và ứng dụng của các chủng vi khuẩn lên men lactic phân lập từ thực phẩm lên men (nem chua), khảo sát ảnh hưởng của việc xử lý hạt đậu với vi khuẩn lactic đến cây đậu phộng sau khi gieo trồng. Kết quả cho thấy, xử lý vi khuẩn lactic làm tăng tỉ lệ nảy mầm từ 67% lên 77%, độ khỏe mầm từ 615 lên 1151. Sau 75 ngày trồng, cây có chiều dài tăng trung bình 22%, khối lượng tăng 100% và đặc biệt, số tia củ tăng 2.5 lần so với đối chứng.

>>> Xem thêm

Sinh viên HUTECH ứng dụng vi khuẩn lactic giành giải Nhất Nghiên cứu khoa học cấp Bộ



TRƯỜNG ĐẠI HỌC CÔNG NGHỆ TP.HCM (HUTECH)
475A Điện Biên Phủ, P.25, Q. Bình Thạnh, TP.HCM
Điện thoại: (028) 5445.2222 - 2201 0077
Website: www.hutech.edu.vn