Không nói sau lưng người khác

Thế nào gọi là lời đồn đại? Những lời đồn đại cũng giống hệt như dòng nước, luôn ào ạt chảy đi mà không ý thức được chính bản thân mình. Nó từ miệng người này đi vào đôi tai người khác, rồi lại từ miệng người đó được truyền đến một đôi tai khác.

Kiểu đồn đại này thường được hình thành trong lúc nhàn rỗi, nói người khác này nọ, thường là mang theo sự trào phúng và bới móc đầy ác ý, truyền đạt qua những chiếc miệng khác nhau, sẽ có thể nghe được những ý kiến khác nhau, và những kết luận được tổng kết lại cũng không giống nhau. Đã có lần trong cuộc điều tra về vấn đề: “Bạn cho rằng ai là người có sức hút nhất?”, có rất nhiều học sinh trung học cho rằng: “Những người có đầy tế bào hài hước là những người có sức hút nhất”, đặc biệt là nam học sinh. Vậy mà một cuộc điều tra đầy thiện chí lại bị các em học sinh hiểu nhầm, xuyên tạc dẫn đến việc rất nhiều em học sinh phát ngôn không chút dè chừng, nói những lời khiến người khác đau lòng.

Không nói sau lưng người khác 5

Thật sự hài hước, tuyệt đối không được tạo ra dựa vào việc đồn đại và châm chích người khác, mà là một thể tổng hợp của những nhân tố xuất sắc. Loại người luôn đưa lời đàm tiếu, nói này nói nọ sau lưng người khác, không được coi là người hài hước, mà ngược lại, được xem là một việc không mấy vinh quang, vừa không tôn trọng người khác, không nhận được sự hoan nghênh của người khác, dễ làm tổn thương người khác, lại vừa thể hiện sự thiếu trách nhiệm về bản thân mình.

Trên thế giới này không có người nào hoàn hảo, có những người rất béo, có những người rất lùn, có người mắt hơi nhỏ, có người thậm chí còn có khuyết tật. Chúng ta không nên đàm tiếu hay bới móc đối với những đặc điểm về ngoại hình bẩm sinh của mọi người. Có người luôn đắc ý khi châm trích những nhược điểm của người khác, đồng thời còn cảm thấy mình có con mắt nhìn khách quan, tinh tế, nhưng mọi người chắc chắn sẽ cho rằng đó là một người đanh đá chanh chua, hoặc vốn đã có rắp tâm không bao giờ muốn qua lại với người đấy nữa. Còn những người như vậy, thì cho dù vô cùng xuất sắc cũng chỉ là một con nhạn cô đơn lạc đàn.

Có thể bạn còn nghi ngờ những lời đồn thị phi liệu có nghiêm trọng đến mức đó không? Vậy thì câu trả lời là có. Đúng là quả thực những lời nói ấy vô cùng nghiêm trọng. Có thể có những lúc chúng ta bàn luận đến chỉ là những điều thị phi vô cùng nhỏ nhặt, xem ra cũng chẳng cần phải chịu bất kì trách nhiệm kể cả về đạo lí nào sau đó, nhưng đối với bản thân người được nghe kể chuyện mà nói, họ đã cảm thấy được bộ dạng đáng ghét, phẩm chất không đoan trang của bạn, trong mắt và trong lòng họ đã loại trừ bạn, bởi vì bạn đã làm mất đi sự tôn nghiêm của họ. Nhẹ thì lớn tiếng mắng nhiếc bạn, đứng về lập trường đối lập với bạn, nghiêm trọng thì người bị hại sẽ vì một phút thiếu suy nghĩ mà nghĩ đến những chuyện dại dột, có thể đi đến cái chết, còn bạn lúc này đã là một tên sát nhân vô tình, mang tâm lí tội lỗi suốt đời. Những trường hợp như vậy không phải thời nay mới có, các cơ quan truyền thông trên toàn quốc đều có những báo cáo về vấn đề này. Còn thủ phạm của những vụ việc đó lại chính là cái mồm ăn nói tùy tiện, linh tinh.

Chính vì vậy những bạn học sinh đang trong thời kì dễ bị kích động, dễ bộc phát, nếu bạn muốn có nhiều bạn hơn, và được nhiều người yêu mến tôn trọng hơn thì hãy nhớ lấy bài học này: Làm gì cũng đường đường chính chính, nói lời phải rõ ràng rành mạch, không làm kẻ loan tin đồn nhảm, làm trong sạch hóa môi trường sống của chúng ta.

Năm nguyên tắc để được mọi người yêu thích:

- Tuân thủ nguyên tắc khiêm tốn lễ độ, không ăn thua, hiếu chiến. Bất luận kiến thức của mình có phong phú uyên bác đến đâu, lời lẽ của mình có lưu loát lọt tai đến đâu, lúc nào cũng nên nghiêm khắc rèn rũa mình bằng thái độ khiêm tốn.

- Ăn nói nhã nhặn thuận hòa, không nên làm tổn thương người khác. Trong cuộc sống thực tế, chỉ vì dùng từ ngữ không đúng ý, hoặc lời lẽ quá sắc bén, hoặc “khẩu xà tâm phật” mà khiến cho người khác ghét bỏ, loại người này đâu đâu cũng có.

- Người biết lí lẽ không làm khó người khác, không đả kích lẫn nhau. Những học sinh trung học tràn đầy nhiệt huyết khi tranh luận thường dễ bị kích động, đặc biệt là trong trường hợp bản thân tin chắc rằng mình đúng, càng khăng khăng đắc ý, dồn ép người khác, phương thức đối nhân xử thế này rất không được ưa chuộng.

- Kiểm điểm lại hành vi, không nên tò mò vào việc riêng của người khác. Ngoài những người thân và bạn bè thân thiết, không nên tra hỏi cuộc sống riêng tư của người khác.

- Đối xử chân thành với mọi người, luôn nở nụ cười trên môi. Trong cuộc sống luôn đối xử chân thành với mọi người, đứng trên lập trường của người khác, suy nghĩ cho cả người khác, dần dần bạn sẽ trở thành một người luôn được yêu mến.

(Trích từ “40 bài học dành cho tuổi mới lớn” NXB Văn hóa thông tin)

0