Làm chủ bản thân trong giao tiếp

Một số cách làm chủ cảm xúc của bản thân trong giao tiếp

Trong những tình huống giao tiếp cụ thể, ở chúng ta có thể phát sinh những trạng thái cảm xúc khác nhau (tích cực và tiêu cực). Cảm xúc (đặc biệt, cảm xúc tiêu cực) ảnh hưởng rất rõ đến hành vi, ứng xử của con người trong giao tiếp.

Làm chủ bản thân trong giao tiếp 6

Trong những tình huống giao tiếp cụ thể, ở chúng ta có thể phát sinh những trạng thái cảm xúc khác nhau (tích cực và tiêu cực). Cảm xúc (đặc biệt, cảm xúc tiêu cực) ảnh hưởng rất rõ đến hành vi, ứng xử của con người trong giao tiếp. Do đó, nếu biết làm chủ cảm xúc thì tránh được thái độ, hành vi làm tổn thương người khác, làm ảnh hưởng đến hình ảnh bản thân, đến hiệu quả giao tiếp và đến mối quan hệ….

Cảm xúc tiêu cực trong giao tiếp có thể do đối tượng giao tiếp gây ra, nhưng cũng có thể áp lực của hoàn cảnh giao tiếp, do nhu cầu khẳng định và thể hiện của chính bản thân tạo nên.

Trong trường hợp cảm xúc do đối tượng giao tiếp gây ra, có thể sử dụng một số cách làm chủ cảm xúc của bản thân như sau:

- Khi những cử chỉ, lời nói, thái độ của người khác gây cho bạn cảm xúc tiêu cực, bạn hãy dừng lại một chút, đừng phản ứng ngay với biểu hiện đó. Thời gian dừng đó sẽ giúp bạn nhanh chóng vượt qua “sốc” ban đầu, bình tĩnh hơn để ứng xử thông minh hơn, có lợi cho bạn hơn.

- Nếu có thể, tách khỏi không gian giao tiếp, đến nơi khác, thở sâu một vài nhịp, nếu được, hãy uống một cốc nước mát để “hạ nhiệt”.

- Nếu không thể tách khỏi không gian giao tiếp, hãy sử dụng thông điệp “tôi…” để nói với đối tượng giao tiếp cảm xúc lúc đó của bạn. Ví dụ: “Tôi thấy thất vọng khi anh có những lời nói như vậy”…

- Sử dụng tư duy tích cực: hãy đặt mình vào địa vị của đối tượng để hiểu và thông cảm cho những cử chỉ, lời nói, thái độ của đối tượng, nghĩ ít về bản thân để ít thấy mình không được tôn trọng, thấy mình bị thiệt thòi…

Trong trường hợp cảm xúc âm tính do áp lực của hoàn cảnh giao tiếp, hoặc do chính bản thân tạo ra, có thể sử dụng một số cách sau:

- Thở sâu một vài nhịp trước lúc thực hiện giao tiếp.

- Trước những lần giao tiếp bạn cho là quan trọng, bạn thường mong muốn thể hiện mình trong giao tiếp thật hoàn hảo làm cho bạn hồi hộp, lo lắng, căng thẳng. Điều đó sẽ ảnh hưởng xấu đến giao tiếp của bản. Hãy nghĩ rằng có thể mình sẽ có những sai sót trong giao tiếp, nhưng đó là điều bình thường, mình có thể chấp nhận điều đó. Cách nghĩ như vậy làm bạn thoải mái, không bị áp lực, bạn sẽ giao tiếp một cách thông minh, hợp lý, hiệu quả.

- Trong những trường hợp giao tiếp với những đối tượng bạn cho là có lợi thế hơn bạn, mà bạn là người chủ trì, nếu ở bạn có sự lo lắng, thiếu tự tin, thì ngay khi bắt đầu giao tiếp, bạn có thể chia sẻ thật, nhưng khéo léo cảm xúc lo lắng của mình. Điều này có hai cái lợi: cách nói của bạn làm tăng giá trị của đối tượng, làm họ tự hào với bản thân, trở nên hào phóng, dễ thông cảm với bạn; mặt khác, bạn đã gọi được ra cảm xúc của mình, làm bạn thoải mái hơn.

- Bạn hãy nhớ rằng: “Đi một chặng đàng, học một sàng khôn”, hãy tăng cường tham gia vào hoạt động, giao tiếp để chúng ta có cơ hội học hỏi thực tế, có trải nghiệm thực tế để tích lũy kinh nghiệm giải quyết các tình huống giao tiếp, ứng xử, để tự tin hơn trong giao tiếp.

N.T.H

Nguồn Tamly.com.vn

0