Tips hướng nghiệp - Làm quen “người bạn mới” Digital Marketing

Chính thức tuyển sinh đào tạo từ năm 2022, ngành Digital Marketing tại Trường Đại học Công nghệ TP.HCM (HUTECH) đang thu hút sự quan tâm của khá đông thí sinh. Bên cạnh đó, mối quan hệ giữa Digital Marketing và “người anh em” Marketing cũng là điều khiến nhiều bạn phân vân khi chọn ngành.
 
Để hiểu rõ hơn về sự khác biệt giữa hai ngành, đặc biệt là Digital Marketing cũng như cơ hội phát triển của ngành này, hãy cùng note nhanh những thông tin cơ bản dưới đây nhé!
 
Sự khác biệt giữa Digital Marketing và Marketing: Điểm nhấn từ yếu tố kỹ thuật số

 
Marketing truyền thống chủ yếu sử dụng các phương tiện truyền thông đại chúng để thực hiện kế hoạch Marketing như quảng cáo báo giấy, quảng cáo ngoài trời (biển quảng cáo, banner trên xe taxi, áp phích...), trưng bày sản phẩm ở showroom, các hoạt động tài trợ thương mại,... Tuy nhiên, hạn chế của Marketing truyền thống là chi phí khá cao, ngân sách lớn khó kiểm soát được và khó có thể lưu trữ thông tin khách hàng.
 
Tips hướng nghiệp - Làm quen “người bạn mới” Digital Marketing 8
 
Trong khi đó, Digital Marketing được phát triển, ứng dụng dựa trên nền tảng kỹ thuật số và Internet qua các kênh và các trang mạng xã hội như Google, YouTube, Facebook, Tiktok, Instagram,... Digital Marketing sẽ giúp doanh nghiệp cập nhật được thông tin mọi lúc, mọi nơi, từ đó có thể  hoàn toàn chủ động tiếp cận khách hàng với chi phí thực hiện tương đối thấp và kiểm soát dễ dàng. Dựa trên nền tảng Internet và công nghệ số, doanh nghiệp cũng có thể dễ dàng quản lý thông tin khách hàng một cách hiệu quả. Như thế, tập trung vào thế mạnh kỹ thuật số chính là điểm khác biệt nổi bật của ngành Digital Marketing so với ngành Marketing.
 
Digital Marketing - ngành “hẹp” hơn, cơ hội nghề nghiệp có ít hơn?
 
Trong thời đại công nghệ bùng nổ hiện nay, câu trả lời chắc chắn là không rồi! Thật ra, sinh viên ngành Digital Marketing HUTECH vẫn được trang bị kiến thức nền tảng về Marketing như Marketing căn bản, Nghiên cứu Marketing, Hành vi tiêu dùng, Quản trị thương hiệu, Content Marketing,... để tạo bước đệm vững chắc trước khi bước vào các học phần chuyên sâu về Digital Marketing. Sau khi hoàn tất các học phần chuyên sâu này, sinh viên sẽ có kiến thức tổng hợp để ó thể đưa ra kế hoạch Digital Marketing chuyên nghiệp.

 
Tips hướng nghiệp - Làm quen “người bạn mới” Digital Marketing 11
 
Theo báo cáo toàn cảnh ngành Digital năm 2021 do WeAreSocial và Hootsuite, tính đến tháng 1/2021, có khoảng 68.17 triệu người Việt Nam đang sử dụng Internet (chiếm 70.3% dân số). Đặc biệt, trong bối cảnh thế giới và Việt Nam đang trải qua thời kỳ dịch bệnh (Covid-19) thì thói quen mua hàng trên nền tảng trực tuyến khá phổ biến - từ các trang thương mại điện tử đến các mạng xã hội. Có thể thấy, đây là cơ hội cho các doanh nghiệp sử dụng Internet để bán hàng và xây dựng thương hiệu trên nền tảng kỹ thuật số. Digital Marketing sẽ tiếp tục đòi hỏi nguồn nhân lực lớn trong những năm tới, do tỷ lệ người dùng Internet vẫn ngày càng tăng cao. Vì vậy, sinh viên học ngành Digital Marketing không lo thiếu cơ hội nghề nghiệp đúng chuyên môn cho mình.
 
Với những thông tin trên, hy vọng các bạn thí sinh yêu thích ngành Digital Marketing sẽ có thể có cái nhìn bao quát hơn về ngành học mà mình quan tâm, để tự tin “hạ bút” chọn Digital Marketing trên hồ sơ đăng ký xét tuyển của mình.

Phòng Truyền thông
14600257
×