Sinh viên ngành Kiến trúc khởi nghiệp từ thùng rác thông minh

Từ “Máy ép rác” đoạt giải 3 cuộc thi Sinh viên nghiên cứu khoa học Euréka do Thành đoàn TP.HCM tổ chức, Huỳnh Tấn Long (sinh viên vừa tốt nghiệp ngành kiến trúc Trường ĐH Công nghệ TP.HCM) đã cùng với nhóm sáng chế thêm “Thùng rác thông minh FOW” đoạt giải nhì cuộc thi khởi nghiệp “Giải thưởng Tài năng Lương Văn Can”.
 
Sinh viên ngành Kiến trúc khởi nghiệp từ thùng rác thông minh 7
Huỳnh Tấn Long thuyết trình về dự án “Thùng rác thông minh FOW” tại cuộc thi khởi nghiệp “Giải thưởng Tài năng Lương Văn Can”
 
Biến rác thành phân hữu cơ
 
“Thùng rác thông minh FOW”… thông minh ở chỗ không chỉ giúp các hộ gia đình xử lý rác thải ngay tại nhà mà còn góp phần tạo ra phân hữu cơ bón cho cây, sản xuất nông nghiệp sạch và thu được tiền từ nguồn rác thải ra đó. Tấn Long cho biết sự phát triển về kinh tế - xã hội hiện nay kéo theo sự phát sinh mạnh mẽ của rác thải, đặc biệt là tại các thành phố lớn. Xử lý lượng rác thải này và mùi hôi của nó là vấn đề được đặt ra cấp thiết. Các biện pháp xử lý chủ yếu là thu gom, sau đó phân loại và chôn lấp chỉ là tạm thời, hiệu quả không cao lại rất tốn kém. Trong khi đó, việc sử dụng phân hóa học và thuốc bảo vệ thực vật được cho là có liên quan đến ô nhiễm nguồn nước, thoái hóa đất, tác động xấu đến môi trường và ảnh hưởng sức khỏe con người. Chính vì vậy, sự phát triển phân bón hữu cơ hiện đang được đẩy mạnh hướng đến nền nông nghiệp sạch.  Song hiện nay lượng phân bón hữu cơ sản xuất trong nước chưa đáp ứng đủ nhu cầu người dân mặc dù các công ty sản xuất phân hữu cơ ngày càng nhiều, một phần nguyên nhân nằm ở việc thiếu nguồn nguyên liệu cơ sở hữu cơ đầu vào. Trong điều kiện này, việc tái sử dụng rác thải hữu cơ trong sinh hoạt thành nguồn phân bón hữu cơ sẽ mang lại nhiều lợi ích về môi trường và kinh tế, phát triển tốt và đúng đắn sẽ tạo thành một chuỗi giá trị khép kín. Từ những lý do trên, nhóm nghiên cứu của Tấn Long phát triển dự án “Thùng rác thông minh FOW” để góp phần giải quyết các vấn đề xã hội, cải thiện môi trường.
 
 
Sinh viên ngành Kiến trúc khởi nghiệp từ thùng rác thông minh 20
“Thùng rác thông minh FOW” có thể thiết kế nhiều kích thước khác nhau, phù hợp nhu cầu và không gian sử dụng
 
Khi thực hiện dự án, Tấn Long cùng với nhóm đã khảo sát 50 hộ gia đình sinh sống ở các quận: 2, 3, 7, Bình Thạnh (TP.HCM)… có mức thu nhập trong khoảng từ 20 đến 40 triệu đồng/tháng. Kết quả cho thấy, 65% hộ gia đình ủng hộ và sẵn sàng chi ra mức giá từ 5 đến 10 triệu đồng/sản phẩm (thùng rác thông minh FOW) với các chính sách ưu đãi, giá mà nhóm sáng chế cung cấp. “Thùng rác thông minh FOW” chỉ chiếm một không gian nhỏ, đặt trong không gian bếp của hộ gia đình, quán ăn, nhà hàng… nhằm phân loại, xử lý rác hữu cơ sơ bộ ngay tại nguồn thải. Theo mô tả của Tấn Long, thùng rác FOW vận hành theo quy trình nghiền để tách nước trong rác, cắt nhỏ đồng thời sấy khô để giảm đáng kể mùi hôi trong rác. Rác đã được xử lý sẽ nhẹ, giảm mùi hôi giúp quá trình thu gom, vận chuyển dễ dàng hơn. Trong sinh hoạt hằng ngày, lượng rác hữu cơ thải ra như rau, củ, quả, thức ăn thừa… khi cho vào “Thùng rác thông minh FOW” sẽ được nghiền tách nước, tơi rác, tiếp theo trục có gắn lưỡi xoay cắt nhỏ rác đồng thời trộn rác đều với dung dịch vi sinh. Sau khi xử lý xong, rác khô, được cắt nhỏ và có thể đem trữ ở các ngăn chứa hoặc bón trực tiếp cho cây. Thùng rác sử dụng hoàn toàn tự động, sản phẩm sẽ được làm nguyên liệu cơ sở cung cấp cho các nơi sản xuất phân hữu cơ hoặc những hộ gia đình muốn sử dụng làm phân để trồng cây tại nhà.
 
Cùng với một nguyên lý vận hành, “Thùng rác thông minh FOW” có thể thiết kế nhiều kích thước khác nhau, phù hợp với nhu cầu và không gian sử dụng.
 
Người dùng thu được tiền từ… rác
 
Tấn Long cho rằng hiện các hộ gia đình tại TP.HCM phải trả tiền thu gom rác cho công ty vệ sinh trung bình khoảng 60 ngàn đồng/tháng. Tính trung bình mỗi hộ gia đình có 4 người, trong đó lượng rác hữu cơ một người thải ra hằng ngày là 0,6kg (số liệu trên một phương tiện truyền thông năm 2019), sau khi xử lý bằng “Thùng rác thông minh FOW” và trừ tất cả chi phí trả cho công thu gom, vận chuyển, mặt bằng cho công ty vệ sinh thì thu lợi từ việc bán nguyên liệu cho công ty sản xuất phân hữu cơ là 300 ngàn đồng/hộ gia đình/tháng. Đối với nhà hàng, con số này đáng kể hơn. Tính trung bình lượng rác hữu cơ mỗi nhà hàng thải ra là 15kg/ngày; sau khi xử lý bằng “Thùng rác thông minh FOW” và trả phí thu gom, vận chuyển, mặt bằng cho công ty vệ sinh thì thu lợi từ việc bán nguyên liệu là 2,4 triệu đồng/nhà hàng/tháng. Bên cạnh đó, nhà hàng và hộ gia đình còn xử lý được đồ ăn thừa, đảm bảo được an toàn vệ sinh thực phẩm. Tấn Long thông tin thêm, dự án khởi nghiệp này được gọi vốn và đề xuất rót vốn, nhưng hiện nay chi phí nghiên cứu và hoàn thiện sản phẩm đầu tiên là quá lớn đối với khả năng của nhóm. Tấn Long vừa tốt nghiệp ĐH và với công việc hiện tại, bạn đang tích lũy dần nguồn vốn, mối quan hệ, định hình rõ hướng đi đúng đắn để đưa sản phẩm “Thùng rác thông minh FOW” ra thị trường.
 
Huỳnh Tấn Long được tuyên dương “Sinh viên 5 tốt” cấp Trung ương năm 2020; đoạt giải khuyến khích Nghiên cứu khoa học cấp Bộ; đoạt giải các cuộc thi sáng tạo IDEA X, Thiết kế xanh...

 
 
Sinh viên ngành Kiến trúc khởi nghiệp từ thùng rác thông minh 44
Bản thiết kế và cách sử dụng “Thùng rác thông minh FOW”
 
Mới đây, Tấn Long còn đoạt giải khuyến khích một cuộc thi mang tầm quốc tế về thiết kế showroom, tranh tài với các ứng viên trên toàn cầu. Tuy là giải thưởng nhỏ nhưng ở một sân chơi lớn tầm cỡ quốc tế nên nỗ lực và trải nghiệm đem lại cho Tấn Long cũng rất lớn. Tấn Long chia sẻ, ngoài kiến thức được trang bị ở trường thì người học cần có rất nhiều kiến thức khác bổ trợ để có thể thử sức ở các sân chơi lớn. Nhưng dù áp lực vẫn cứ thử sức thi, ngay cả khi không có giải bản thân vẫn có lợi, đó là được cọ xát, rèn luyện, nung nấu ý chí để trưởng thành và giúp ích rất nhiều trong công việc sau này. Chính Tấn Long cũng rút ra kinh nghiệm từ bài học của bản thân, đó là sinh viên khi khởi nghiệp thường chưa lường trước được rủi ro và có thể bị ảo tưởng khả năng của mình. Quá trình này nếu chịu tiếp thu, học hỏi, điều chỉnh bản thân qua mỗi lần vấp ngã thì sẽ sửa được chỗ sai để làm tốt hơn và giữ được “lửa” khởi nghiệp.
 
Theo Tạp chí Giáo dục TP.HCM
14591516
×