Các triệu chứng, biểu hiện bệnh viêm mũi dị ứng và cách điều trị như thế nào?

Hỏi: Các triệu chứng, biểu hiện bệnh viêm mũi dị ứng và cách điều trị như thế nào?

Bác sĩ trả lời: 

Triệu chứng:

Triệu chứng của viêm mũi dị ứng thường xuất hiện ngay sau khi tiếp xúc với chất gây dị ứng (gọi là 'dị nguyên'), như:
- Hắt hơi: triệu chứng điển hình của viêm mũi dị ứng. Những cơn hắt hơi mang tính đột ngột, nhiều lần, hắt hơi liên tục, kéo dài nhiều phút và thường xuyên tái phát trong đợt dị ứng.
- Ngứa mũi: Cơn ngứa mũi thường xuất hiện sớm, nhất là ở trẻ em. Đôi khi, người bệnh ngứa cả mũi, mắt, họng hoặc cả ngoài da vùng cổ, da ống tai ngoài.
- Chảy nước mũi: Chảy nước mũi thường đi kèm với hắt hơi hoặc sau hắt hơi. Người bệnh bị chảy nước mũi cả 2 bên, nước màu trong suốt, không có mùi.
- Tắc ngạt mũi: Do chảy nhiều nước mũi và sự phù nề của niêm mạc làm cho ngạt mũi, có khi ngạt hoàn toàn cả hai bên mũi. Người bệnh phải thở bằng miệng và ở trẻ em có thể bị cảm giác ngạt thở.
- Ngứa mũi, ngứa họng
- Cảm giác nặng vùng xoang quanh mũi, và đau mặt
- Sưng quầng mí mắt dưới
- Giảm hoặc mất cảm giác nếm và ngửi
- Đau: Ngoài cảm giác đầy trong mũi, ngạt cứng trong mũi, vì thiếu thở nên người bệnh có cảm giác nhức đầu, mệt mỏi, uể oải, giảm khả năng lao động chân tay, trí não. Một số trường hợp đau ở vùng mũi, vùng xoang mặt và kèm theo cả rối loạn vận mạch vùng mặt.
Trong cơn dị ứng mũi, thường kèm theo dị ứng cả vùng mặt, màng tiếp hợp bị đỏ, chảy nhiều nước mắt, ngứa mắt đi kèm với ngứa mũi và hắt hơi.

Cách điều trị viên mũi dị ứng:

Viêm mũi dị ứng là loại bệnh khó điều trị khỏi hoàn toàn, vì cơ địa dị ứng của người bệnh, và vì rất khó loại trừ các chất dị ứng khỏi môi trường sống. Điều trị viêm mũi dị ứng không thể có một công thức, một phác đồ chung cho mọi trường hợp, mà phải tìm cho mỗi trường hợp một phương pháp thích hợp.
- Tránh tiếp xúc với chất dị ứng. Tuy nhiên không phải lúc nào biện pháp này cũng hiệu quả, nhiều khi bạn phải có thêm điều trị khác nữa.
Nếu bị viêm mũi quá nặng, thuốc thông thường không đủ giảm triệu chứng, bạn sẽ cần những thuốc mạnh hơn. Nhiều khi phải kết hợp vài loại thuốc chống dị ứng. Có thể phải thử qua nhiều loại mới biết thuốc nào hợp nhất.
- Sử dụng thuốc
+ Thuốc chống ngạt mũi
Thường dùng naphazolin, xylometazolin… nhỏ hoặc xịt 2 – 3 lần mỗi ngày. Thuốc làm cường giao cảm, gây co mạch, chống phù nề do đó hết ngạt tắc mũi, người bệnh dễ thở, cảm thấy dễ chịu ngay.
Tuy nhiên, cần lưu ý không quá lạm dụng, chỉ dùng thuốc nhỏ hoặc xịt mũi trong thời gian ngắn (thường không quá 7 ngày) vì dùng các loại thuốc này kéo dài dễ gây hiện tượng nhờn thuốc, không có hiệu quả nữa, thậm chí còn gây “tác dụng dội ngược” làm ngạt mũi nhiều hơn. Bởi vậy không nên dùng liều cao dài ngày. Không dùng cho trẻ em dưới 7 tuổi.
+ Nhóm corticoid (uống)
Tuy có thể dùng viên thuốc uống chống viêm, chống dị ứng tác dụng toàn thân, nhưng nó có nhiều tác dụng phụ có thể gây hại, vì thế, corticoid chỉ nên dùng dạng xịt vào mũi (beclometason, budesonid, fluticason…) thì tốt hơn.
Thuốc không có tác dụng tức thời, mà thường có tác dụng sau 2 -3 ngày. Khi xịt, thuốc chủ yếu tác dụng tại chỗ, tuy có hấp thu vào máu nhưng với hàm lượng rất nhỏ, không gây tác dụng phụ như corticoid dùng đường uống. Khi dùng, người bệnh nên xịt sớm khi bệnh còn nhẹ. Việc điều trị cần phải kéo dài một thời gian nhất định, thường một năm dùng một tháng thì bệnh gần như ổn định trong cả năm.
+ Nhóm corticoid (hít)
Dùng corticoid uống kéo dài, liên tục có thể đỡ bệnh viêm mũi dị ứng, nhưng corticoid ngoại lai này sẽ ức chế tuyến yên, không cho tuyến yến tiết ra hormone tuyến thượng thận. Tuyến thượng thận lâu ngày không hoạt động sẽ bị teo, không còn chức năng tiết ra corticoid nội sinh nữa. Khi ngừng dùng corticoid ngoại lai, cơ thể bị thiếu corticoid nội sinh đột ngột sẽ gây suy thượng thận cấp, trường hợp nặng không cấp cứu kịp thời có thể dẫn đến tử vong. Vì thế không thể dùng corticoid uống kéo dài liên tục để chữa viêm mũi dị ứng.
Dùng các corticoid dưới dạng hít hay dạng khí dung (gọi chung là corticoid hít) thì thuốc sẽ có tác dụng tại chỗ rất mạnh, làm giảm các chất trung gian gây viêm mũi dị ứng, nên làm giảm ngứa, hắt hơi, chảy nước mũi, chảy nước mắt, phù niêm mạc, ngạt mũi. Một phần rất nhỏ thuốc (khoảng 10%) có thể từ đường mũi đi vào bên trong cơ thể nhưng vì các corticoid này chuyển hóa rất nhanh tại gan thành các chất không có hoặc có tác dụng sinh học rất thấp nên sinh khả dụng toàn thân thấp, không gây hại toàn thân như khi uống. Như vậy, các corticoid hít này có sự cân bằng độc đáo giữa hiệu lực chữa bệnh và độ an toàn.
Khởi đầu, để thuốc sớm có hiệu quả, có thể dùng corticoid hít phối hợp với các thuốc kháng histamin, giãn phế quản, coricoid uống; sau đó  ngừng các thuốc phối hợp này, chỉ duy trì bằng corticoid hít.
Corticoid hít không độc nhưng cũng có thể gây ra một số tác dụng phụ như: đau đầu, viêm họng, kích ứng mũi, hắt hơi, ho, buồn nôn, nôn, chảy máu cam, phát ban da, ngứa, sưng mặt, sốc phản vệ nhưng ít gặp.
Nếu dùng kéo dài dạng thuốc hít kèm theo corticoid uống, cũng có thể bị ngộ độc toàn thân. Biểu hiện là cường vỏ thượng thận, nếu ngừng ngay thuốc uống lại có thể gây suy thượng thận. Cần cẩn thận khi phối hợp với corticoid uống trong trị viêm mũi hay với người viêm mũi có kèm thêm hen.
Với phụ nữ mang thai hoặc đang cho con bú:
- Corticoid tiết vào sữa gây hại thai, gây hại trẻ bú. Tuy nhiên, với corticoid hít chưa thấy hiện tượng này nên vẫn có thể dùng cho người có thai hoặc đang cho con bú.
- Không dùng corticoid hít chữa viêm mũi dị ứng cho trẻ em dưới 12 tuổi, riêng beclomethason không dùng cho trẻ dưới 6 tuổi.
Corticoid hít hầu như không độc, có thể dùng lâu dài để ổn định bệnh, được coi là thuốc chủ lực trong điều trị viêm mũi dị ứng.
+ Nhóm kháng histamin
Trên thị trường hiện nay có rất nhiều loại thuốc kháng histamin. Tuy nhiên, tùy thuộc vào mức độ nặng, nhẹ của bệnh mà thầy thuốc kê đơn và liều lượng cho phù hợp nhằm kiểm soát tốt các triệu chứng dị ứng.
+ Ngoài ra, có thể giảm triệu chứng viêm mũi dị ứng trong một số trường hợp bằng cách dùng nước muối sinh lý (0,9%) để rửa mũi thường xuyên (xem phần cách phòng ngừa viêm mũi dị ứng).
Theo Suckhoedoisong.vn
14563257
Các tin khác
Á khôi Trần Đình Thạch Thảo hiến máu tình nguyện hưởng ứng Tháng Thanh niên tại HUTECH Sáng ngày 02/3, Đoàn Thanh Niên - Hội Sinh viên HUTECH đã phối hợp với Trung tâm Hiến máu nhân đạo TP.HCM tổ chức Ngày hội Hiến máu tình nguyện đợt...
Sinh viên Khoa Dược HUTECH tham quan thực tế tìm hiểu nghề Dược sĩ tại An Khang Pharma Ngày 24/02, Khoa Dược HUTECH tổ chức chuyến tham quan thực tế HUTECH PharmaCom Tour: An Khang Company Tour tại Công ty Dược An Khang, giúp sinh...
Khoa Dược hướng đến ngày Thầy thuốc Việt Nam với loạt hoạt động ý nghĩa Hướng đến ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/02), Khoa Dược HUTECH đã tổ chức nhiều hoạt động đầy ý nghĩa.
Khởi động Tháng Thanh niên 2023, tuổi trẻ HUTECH tham gia hiến máu tình nguyện vì cộng đồng vào 02/3 tới Sáng ngày 02/3 tới đây, Đoàn Thanh Niên - Hội Sinh viên HUTECH sẽ phối hợp với Trung tâm Hiến máu nhân đạo TP.HCM tổ chức Ngày hội Hiến máu tình...
Sinh viên Viện Kỹ thuật tranh tài sôi nổi tại Chung kết Cuộc thi học thuật Tìm kiếm tài năng y sinh Xuất sắc vượt qua vòng Bán kết “Hùng biện”, ngày 23/12 vừa qua, sinh viên Viện Kỹ thuật HUTECH đã tiếp tục tranh tài tại vòng Chung kết cuộc thi...
×