Sinh viên Công nghệ sinh học dùng chế phẩm nấm làm thuốc trừ sâu

Xuất phát từ thực trạng lạm dụng hóa chất trừ sâu hại trong nông nghiệp hiện nay, nhóm sinh viên ngành Công nghệ sinh học trường Đại học Công nghệ TP.HCM (HUTECH) đã nghiên cứu và sản xuất thành công chế phẩm nấm tím Paecilomyces lilacinus phòng trừ sâu hại cây trồng. Đây cũng chính là công trình đoạt giải Nhất tại Giải thưởng sinh viên nghiên cứu khoa học Euréka năm 2016.

Dùng nấm trừ sâu: giảm thiểu chi phí, bảo vệ môi trường

Việt Nam là một nước có thế mạnh sản xuất nông nghiệp, tuy nhiên hằng năm nước ta vẫn phải nhập khẩu một lượng đáng kể hóa chất trừ sâu hại cây trồng với giá trị lớn. Việc lạm dụng hóa chất trong nông nghiệp nói chung và phòng trừ sâu hại cây trồng nói riêng không những làm tăng chi phí sản xuất mà còn ảnh hưởng đến môi trường, làm giảm chất lượng nông sản, gây tác hại không nhỏ cho sức khỏe người sản xuất và người tiêu dùng.

Trước thực trạng đó, dùng chế phẩm sinh học trong nông nghiệp được coi là giải pháp hiệu quả để bảo vệ môi trường, phát triển nông nghiệp bền vững. Đây cũng là nền tảng cho công trình “Phân lập và sản xuất chế phẩm nấm Paecilomyces lilacinus phòng trừ một số loài sâu hại cây trồng” của nhóm sinh viên khoa Công nghệ sinh học - Thực phẩm - Môi trường HUTECH gồm Đỗ Anh Duy, Phùng Lê Kim Yến, Nguyễn Thị Xuân Hương.

Sinh viên Công nghệ sinh học dùng chế phẩm nấm làm thuốc trừ sâu 12
Nhóm sinh viên HUTECH nhận Giải Nhất giải thưởng Euréka 2016

Bạn Đỗ Anh Duy chia sẻ: “Công trình nghiên cứu nhằm tìm kiếm các tác nhân sinh học - cụ thể là nấm tím có sẵn trong điều kiện tự nhiên của Việt Nam để sản xuất các chế phẩm sinh học trừ sâu. Hai mục tiêu lớn nhất của nhóm đối với đề tài này là khi áp dụng vào thực tiễn sẽ vừa giảm thiểu ngoại tệ nhập khẩu hóa chất vừa hạn chế được tình trạng ô nhiễm môi trường”.

TS. Nguyễn Thị Hai, giảng viên trực tiếp hướng dẫn đề tài, nhận xét: “Việc phân lập được chủng nấm Paecilomyces lilacinus từ bọ phấn trắng Bemisia tabaci hại rau tại thành phố Hồ Chí Minh đòi hỏi khá nhiều công sức, thời gian và là một thành công rất đáng khích lệ. Các đánh giá thử nghiệm trong phòng và ngoài đồng đã chứng minh chế phẩm sinh viên làm ra có hiệu quả phòng trừ nhiều loài sâu chích hút hại cây trồng mở ra triển vọng cho việc sử dụng chủng nấm như một chế phẩm sinh học trừ sâu hại trên nhiều loại cây trồng”.

Được biết, được hội đồng khoa học đánh giá cao ở tính thực tiễn và khả năng ứng dụng, công trình nghiên cứu chế phẩm sinh học trừ sâu từ nấm tím Paecilomyces lilacinus là công trình thứ ba liên tiếp giành giải Nhất tại sân chơi Euréka của sinh viên HUTECH. Đặc biệt, sản phẩm của đề tài hiện đang được công ty Sitto Việt Nam thử nghiệm trên cây tiêu và các cây trồng ăn quả khác trước khi đưa vào sử dụng trên diện rộng.

HUTECH - nơi chắp cánh những đam mê khoa học trẻ

Là trường đại học đào tạo đa ngành, hơn 20 năm qua HUTECH luôn chú trọng trong phong trào nghiên cứu khoa học - đặc biệt là ở nhóm ngành thế mạnh Công nghệ sinh học, Công nghệ Thực phẩm, Kỹ thuật Môi trường. Trong đó, sinh viên ngành Công nghệ sinh học liên tục đạt được những thành tích xuất sắc nhất tại các giải thưởng nghiên cứu, học thuật lớn như: Giải thưởng Tài năng khoa học trẻ Việt Nam, Giải thưởng Nghiên cứu khoa học Eureka, Cuộc thi “Công nghệ sinh học – Hành trình hướng đến tương lai”, Cuộc thi “Môi trường & con người”,…

Sinh viên Công nghệ sinh học dùng chế phẩm nấm làm thuốc trừ sâu 28
Sinh viên HUTECH được học tập trong môi trường chuẩn quốc tế

Lý giải cho những kết quả này, PGS.TS. Thái Văn Nam – Phó Trưởng khoa Công nghệ sinh học – Thực phẩm – Môi trường HUTECH cho biết: “HUTECH có ưu thế là cơ sở vật chất được đầu tư liên tục, 100% sinh viên được học tập trong môi trường hiện đại, thực hành với các thiết bị tiên tiến trong hệ thống phòng thí nghiệm chuẩn quốc tế. Đây chính là nền tảng quan trọng để sinh viên dễ dàng theo đuổi các đề tài nghiên cứu giàu tính ứng dụng hoặc có thể làm việc ngay tại môi trường doanh nghiệp sau khi ra trường”.

Được biết, chương trình đào tạo ngành Công nghệ sinh học tại HUTECH trang bị nền tảng kiến thức toàn diện bao gồm vi sinh vật học, tế bào học, hóa sinh học, công nghệ lên men, công nghệ enzyme, sinh học phân tử, kỹ thuật gen, thương mại hóa các sản phẩm sinh học và phương pháp ứng dụng kiến thức vào sản xuất trong các lĩnh vực thực phẩm - dược phẩm, nông nghiệp - thủy sản và xử lý - bảo vệ môi trường. Cạnh đó, sinh viên liên tục hoàn thiện các kỹ năng thuyết trình, giải quyết tình huống, làm việc nhóm, tiếng Anh,... thông qua các đề tài nghiên cứu theo nhóm và nghiên cứu cá nhân, các cuộc thi học thuật và hoạt động ngoại khóa.

Sinh viên Công nghệ sinh học dùng chế phẩm nấm làm thuốc trừ sâu 38
Trên 95% sinh viên HUTECH ra trường có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp

Thêm vào đó, sự hợp tác chặt chẽ giữa HUTECH và các doanh nghiệp, viện nghiên cứu tạo điều kiện để sinh viên luôn có cơ hội được thực tập, thực hiện đề tài nghiên cứu thực tế cũng như nắm bắt những cơ hội tuyển dụng tốt nhất ngay khi còn ngồi trên ghế giảng đường.

Báo Dân Trí

14566672
Các tin khác
Viện Khoa học Ứng dụng HUTECH “viết tiếp” hành trình chở nước ngọt về vùng hạn mặn huyện Giồng Trôm (Bến Tre) Ngày 17/4, Viện Khoa học Ứng dụng HUTECH và Hội Doanh nghiệp Cựu Sinh viên Viện tổ chức chương trình “Mang nước ngọt đến người dân vùng hạn mặn...
[Video] Viện Khoa học Ứng dụng HUTECH làm lễ chuyển giao máy lọc nước hộ gia đình Sáng ngày 09/4, Viện Khoa học Ứng dụng HUTECH đã tổ chức lễ chuyển giao sản phẩm nghiên cứu khoa học “Máy lọc nước hộ gia đình” cùng Công ty...
Khám phá Vườn Quốc gia Cát Tiên, sinh viên Viện Khoa học Ứng dụng tích luỹ nhiều kiến thức chuyên môn hữu ích Ngày 27/3, sinh viên ngành Quản lý Tài nguyên và Môi trường thuộc Viện Khoa học Ứng dụng Trường Đại học Công nghệ TP.HCM (HUTECH) đã có chuyến tham...
HUTECH đón tiếp và làm việc với Công ty Cổ phần Xi măng Fico - YTL Ngày 14/3, Trường Đại học Công nghệ TP.HCM (HUTECH) đã có buổi làm việc với Công ty Cổ phần Xi măng Fico - YTL nhằm mở rộng mạng lưới hợp tác, đào...
HUTECH đón tiếp và làm việc cùng Đại học Quốc gia Chungnam Vừa qua, HUTECH đã tổ chức buổi tiếp đón và làm việc với đại diện Trường Đại học Quốc gia Chungnam (CNU) nhằm mục đích mở rộng mạng lưới hợp tác...
×