Bộ GD-ĐT: Đề thi THPT Quốc gia sẽ dựa trên chương trình giảm tải

TTO - Sáng nay 25-3, Bộ GD-ĐT tổ chức hội nghị trực tuyến với 63 sở GD-ĐT để bàn giảm tải chương trình cho học sinh do ảnh hưởng COVID-19.

 
Bộ GD-ĐT: Đề thi THPT Quốc gia sẽ dựa trên chương trình giảm tải 6
Học sinh đang chờ hướng dẫn tinh giản chương trình của Bộ GD-ĐT - Ảnh: TTO
 
Chủ trì hội nghị, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ nhấn mạnh đến những nội dung cần trao đổi, thống nhất các giải pháp phải thực hiện khi dịch bệnh còn diễn biến phức tạp; triển khai việc lựa chọn SGK; chuẩn bị các điều kiện cần thiết để triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới vào năm học sau.
 
Sẽ công bố đề thi tham khảo
 
Về việc tổ chức kỳ thi THPT quốc gia, hiện tại Bộ GD-ĐT vẫn giữ mốc thời gian dự kiến là ngày 8 đến 11-8. Theo Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ, Bộ GD-ĐT sẽ xây dựng ma trận đề thi THPT quốc gia, công bố đề thi tham khảo sau khi có chương trình được tinh giản, giảm tải.
Ông Nguyễn Văn Hiếu - phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM – cho rằng học sinh từ lớp 1-11 còn có thời gian rà soát chương trình, bổ sung kiến thức vào năm học sau. Nhưng học sinh lớp 12 thì không còn thời gian và sẽ phải thi THPT quốc gia. "Thông tin Thứ trưởng cho biết sẽ xây dựng ma trận đề thi căn cứ vào chương trình đã tinh giản khiến chúng tôi yên tâm"- Ông Hiếu nói.
 
Bà Lê Thị Bích Thuận - giám đốc Sở GD-ĐT Đà Nẵng – cũng cho rằng cấp tiểu học, THCS thì Bộ GD-ĐT có thể định hướng để các sở chủ động rà soát, tinh giản để giảm gánh nặng cho Bộ. Nhưng riêng bậc THPT thì Bộ GD-ĐT cần rà soát, giảm tải để thống nhất trên cả nước. Việc rà soát của Bộ sẽ ở cả lớp 10,11,12 vì liên quan tới đề thi THPT quốc gia có thể rơi vào chương trình của cả ba lớp này.
 
Lược bớt những phần trùng lặp
 
Ông Nguyễn Xuân Thành - vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học - cho biết việc rà soát để giảm tải đang được Bộ GD-ĐT gấp rút triển khai. Những tiểu ban rà soát chương trình bao gồm các chuyên gia giáo dục, tác giả SGK, giáo viên phổ thông của từng môn học/cấp học.
 
Về nguyên tắc rà soát sẽ dựa vào chương trình đối chiếu với SGK để giảm bớt các nội dung nâng cao, sao cho đảm bảo yêu cầu tối thiểu, nhưng có thể thực hiện trong bối cảnh hiện tại. Các tiểu ban cũng hướng đến việc tích hợp các bài học trong SGK theo chủ đề.
 
Thường việc tích hợp vẫn nằm trong chương/mục SGK nhưng sẽ giúp tiết kiệm thời gian, thuận lợi cho thiết kế các bài học qua Internet và truyền hình như đang triển khai hiện nay. Ngoài ra, những phần kiến thức hiện đang trùng lặp giữa các môn học sẽ được lược bớt.
 
Đảm bảo hạ tầng dạy qua Internet
 
Tại hội nghị, ông Nguyễn Xuân Thành trao đổi những dự thảo nội dung quy định dạy học qua Internet và truyền hình để thảo luận.
 
Đối với dạy học qua Internet, Bộ GD-ĐT sẽ yêu cầu các trường đảm bảo điều kiện về hạ tầng công nghệ thông tin ứng dụng vào dạy học, yêu cầu cụ thể về học liệu, trong đó các bài dạy phù hợp với hình thức này, dựa trên chương trình đã được Bộ GD-ĐT tinh giản.
 
Điểm cần chú ý là giáo viên phải giao nhiệm vụ rõ ràng cho học sinh, phát huy năng lực tự nghiên cứu tài liệu, tăng cường các giải pháp kỹ thuật để học sinh có thể thảo luận, tương tác qua mạng Internet. Các trường cần kết nối chặt chẽ hơn với gia đình để cùng hỗ trợ học sinh giai đoạn này.
 
Đặc biệt lưu ý dạy học qua truyền hình
 
Ông Thành đặc biệt có các lưu ý trong việc dạy học qua truyền hình. Vì đây là hình thức có hạn chế khi giáo viên không tương tác được với học sinh. Vì thế mỗi nhà trường cần có kế hoạch, phân công giáo viên quản lý chặt chẽ học sinh.
 
Theo đó, giáo viên bộ môn phải nắm thời khóa biểu môn học, bài học trên truyền hình để soạn hệ thống câu hỏi, hướng dẫn học sinh đọc tài liệu trước. Sau khi học sinh nghe giảng trên truyền hình thì giáo viên cần giao bài tập, sửa bài, giải đáp thắc mắc cho học sinh.
 
Ông Thành cũng cho biết Bộ GD-ĐT đang phối hợp Bộ Thông tin - truyền thông và các địa phương để bố trí khung giờ phát sóng phù hợp với lứa tuổi học sinh. Ví dụ học sinh trung học sẽ học vào ban ngày, học sinh tiểu học sẽ học buổi tối, khi có cha mẹ ở bên hướng dẫn.
 
Một trong những nội dung Bộ GD-ĐT cũng yêu cầu sẽ thảo luận trong hội nghị này là việc đánh giá học sinh định kì và cuối kì sẽ thực hiện ngay trong giai đoạn học qua Internet và truyền hình hay chờ khi học sinh trở lại trường.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ khẳng định các trường phải xây dựng kế hoạch để ôn tập, củng cố kiến thức, bổ sung kiến thức cho học sinh còn hạn chế khi học qua Internet và truyền hình, có kế hoạch dạy học kế tiếp kết quả đã thực hiện trong giai đoạn này.


Theo Tuổi trẻ Online
14583739
Các tin khác
Từ hôm nay học sinh có thể thử đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT Bắt đầu từ hôm nay 24.4, thí sinh đang học lớp 12 có thể thử đăng ký thi tốt nghiệp THPT trực tuyến trên hệ thống quản lý thi ngay sau khi được cấp...
HUTECH nhận hồ sơ xét tuyển theo điểm thi ĐGNL từ 650 điểm Ngày 15/4, Hội đồng tuyển sinh HUTECH chính thức công bố ngưỡng điểm nhận hồ sơ xét tuyển đối với phương thức xét kết quả kỳ thi ĐGNL năm 2024 của...
Tuyển sinh đại học năm 2024: Chậm nhất ngày 19-8 thông báo thí sinh trúng tuyển đợt 1 Theo kế hoạch triển khai công tác tuyển sinh đại học các ngành và cao đẳng ngành giáo dục mầm non năm 2024 Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành, năm...
Đã có điểm thi đánh giá năng lực đợt 1: Thủ khoa đạt 1.076 điểm ĐH Quốc gia TP.HCM vừa công bố kết quả kỳ thi đánh giá năng lực 2024 đợt 1, trong đó thủ khoa đạt 1.076 điểm (thang điểm 1.200).
Hơn 90.000 thí sinh hoàn thành thi Đánh giá năng lực đợt 1, dự kiến ngày 15/4 có kết quả Sáng ngày 07/4, Kỳ thi đánh giá năng lực đợt 1 năm 2024 do Đại học Quốc gia TP.HCM tổ chức đã chính thức diễn ra với 93.831 thí sinh tham gia tại...
Hướng dẫn “tất tần tật” cho thí sinh thi Đánh giá năng lực đợt 1 tại điểm thi HUTECH Sáng ngày 07/4, hơn 95.000 thí sinh sẽ bước vào kỳ thi Đánh giá năng lực (ĐGNL) đợt 1 năm 2024 do ĐHQG TP.HCM tổ chức. Trong đó, HUTECH phụ trách...
widget avatar
Đại học HUTECH

HUTECH chào bạn!
Mời bạn gửi thắc mắc của mình tại đây để được giải đáp nhanh chóng nhé!

×