Một tập thể giáo dục khai sáng

“Chúng ta phải đào tạo tập trung cho ra một thứ để tạo ra giá trị khác biệt và luôn luôn tự đặt câu hỏi: Làm sao để tạo ra giá trị khác biệt? Một tập thể cùng khát khao, cùng hoài bão, cùng trăn trở và cùng làm nên sự khác biệt. Đó mới gọi là một tập thể giáo dục khai sáng!”.

    Đây có thể coi là một “tuyên ngôn” của nhóm HKD gồm 3 tiến sĩ còn rất trẻ: Nguyễn Xuân Hùng, Trần Đức Khánh, Nguyễn Ngọc Đức.
     
     
    Một tập thể giáo dục khai sáng 11
    TS Nguyễn Xuân Hùng, Nguyễn Ngọc Đức và cộng sự tại CIRTech. Ảnh: Â.T
     
    Quạt không cánh, máy chưng cất tỏi lên men, dự án chống sạt lở bờ bao, dự án tiết kiệm năng lượng, phần mềm phân tích dữ liệu trong ngành Dược và Tài chính Chứng khoán…- những dự án rất đỗi đời thường như vậy liên quan gì, thế nào tới việc nghiên cứu phát triển các công cụ tính toán mạnh và mô phỏng trên máy tính, được ứng dụng vào lĩnh vực Cơ Kỹ thuật, Cơ Sinh học, Vật liệu… của PGS-TS Nguyễn Xuân Hùng? Tôi mang theo nỗi tò mò ấy tới Trung tâm Nghiên cứu liên ngành (CIRTech, TT) - ĐH Công nghệ TPHCM (HUTECH)…

    Nhiều cây chụm lại…

    TS Nguyễn Xuân Hùng - Giám đốc CIRTech - vào chuyện thẳng băng, theo lối “ngay và luôn”:“Ở nước mình, câu hỏi thường được đặt ra là: Tại sao đại học không kết nối được với doanh nghiệp? Ở các nước phát triển, mô hình gắn kết giữa đại học và doanh nghiệp rất phát triển, doanh nghiệp rất cần đại học dưới góc độ, đó là các sản phẩm nghiên cứu phát triển (tiếng gọi Anh gọi tắt là R&D - Research & Development), và nguồn lực con người. Ở nước mình, câu chuyện R&D hiện còn nhiều khó khăn…”.

    “Anh đi nhiều, mắt thấy, tai nghe trong thiên hạ nhiều điều, nhưng tới khi quay về nhà, anh thấy rằng, những kiến thức mình học hỏi, thu nhận đó, rất khó áp dụng, làm, thực hành?”- chúng tôi đặt câu hỏi.

    TS Hùng mỉm cười: “Có thể làm được, nhưng phải trả giá rất nhiều, ở hai vấn đề là thời gian và con người: Đó là câu chuyện về sự thích nghi, để làm được một vấn đề gì đó, hầu như rất mất thời gian chuẩn bị cho các bước đi đến mục tiêu. Vì sao? Vì hầu như cái gì cũng phải bắt đầu từ đầu. Thứ 2 là vấn đề nguồn lực con người - có, nhưng nguồn lực thực sự đáp ứng công việc theo yêu cầu, tiêu chuẩn, rất hiếm…”.

    Nghiên cứu cơ bản và công bố quốc tế, Nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao công nghệ, Đào tạo và phát triển nhân lực khoa học công nghệ - ba nhiệm vụ rõ ràng của CIRTech - đơn vị đi vào hoạt động tới cuối 2016 là đúng 18 tháng. Từ lãnh đạo tới nhân viên của CIRTech đều trẻ, hầu hết tốt nghiệp, lấy bằng Tiến sĩ ở các trường đại học danh tiếng ở nước ngoài. Ba trụ cột của trung tâm, ba người đàn ông đang ở độ tuổi chín của công cuộc nghiên cứu khoa học đều tầm tuổi trên dưới 40 là TS Nguyễn Xuân Hùng, TS Trần Đức Khánh (ngành Khoa học máy tính - ĐH Henri Poincaré,12 năm làm việc ở Pháp, từng làm việc ở Viện Max Planck - Đức),TS Nguyễn Ngọc Đức tốt nghiệp ngành Hệ thống thông tin quản lý, hiện là thành viên Công viên Nghiên cứu ĐH Illinois (Hoa Kỳ), không hẹn mà nên, cùng một chí hướng, chung một điểm tư duy “Think globally, Act locally” - “Suy nghĩ toàn cầu, Am hiểu địa phương” quyết định đầu quân về HUTECH, đặt viên gạch đầu tiên xây dựng CIRTech.

    TS Nguyễn Ngọc Đức - Phó Giám đốc trung tâm - chia sẻ: “Xu hướng R&D bây giờ là phải liên ngành, phải có sự đóng góp của các nhóm nghiên cứu sâu khác nhau mới tạo ra các sản phẩm tối ưu. Ba anh em chúng tôi với 3 ngành khác nhau, gắn kết với nhau. Một điều thuận lợi ban đầu là chúng tôi gặp được một nhà đầu tư là HUTECH, cụ thể là TS Kiều Xuân Hùng - người tâm huyết với sự nghiệp phát triển giáo dục. Chúng tôi làm nghiên cứu hướng đến thương mại hóa sản phẩm khoa học công nghệ, luôn thành thật với nhà đầu tư, nói rõ, sòng phẳng với họ về điểm mạnh/yếu, những rủi ro có thể xảy ra, phân tích những khó khăn/thuận lợi của các dự án, cũng như mức độ thành công và mức lợi nhuận có thể có.

    Còn ở cấp độ chính sách của Nhà nước, theo quan sát, thu thập số liệu của chúng tôi, 2 năm trở lại đây, trong nghiên cứu khoa học, những chuyện “người thật - việc thật” được đầu tư nhiều hơn, tốc độ gia tăng, với quan điểm rõ ràng: Chúng tôi đầu tư cho anh, anh phải có sản phẩm cụ thể trong thời gian bao lâu, nếu không có chúng tôi chế tài thế nào. Song, theo tôi, vấn đề là làm thế nào để lựa chọn những nhóm nghiên cứu có uy tín để đầu tư…

    Ngay từ đầu thành lập trung tâm, chúng tôi đặt mục tiêu cụ thể: Đến 2020, CIRTech trở thành trung tâm nghiên cứu đạt chuẩn quốc gia (Top 20 Việt Nam), và đến năm 2025 đạt chuẩn khu vực Đông Nam Á.

    Không làm ra sản phẩm là… những cái bánh xe

    TS Hùng, TS Đức bật cười khi nghe chúng tôi đặt câu hỏi “Các anh thông minh, có chí hướng, hoài bão, nhưng xin lỗi, liệu nhiều khi là thế này, mãi vùi đầu nghiên cứu, làm khoa học, đưa ra sản phẩm là những cái… bánh xe - tức là rất cố gắng tạo sự khác biệt, nhưng hóa ra lại là câu chuyện, làm ra những thứ có sẵn từ lâu rồi, trong đời sống?”.

    “Trong nghiên cứu khoa học, đặc biệt là R&D - như Bill Gates nói, muốn thành công trong thế kỷ 20, 21, chúng ta phải biết đứng trên vai người khổng lồ, có nghĩa,cái gì đã có rồi, thì chúng ta kế thừa, cách tân, đổi mới - TS Đức nói - Thực tế khác xa với phòng thí nghiệm. Chúng tôi rõ ràng trong quan điểm làm việc: Sự khác biệt ở đây không phải là tạo ra một cái gì đó thay đổi thế giới, mà cái gì thế giới đã có rồi, chúng ta ứng dụng, làm cho phù hợp tình hình, điều kiện chi phí, giá thành ở Việt Nam nhưng theo chuẩn quốc tế. Ví dụ, máy lên men tỏi đen của chúng tôi - sản phẩm đưa ra thị trường vào năm 2017 - nghe phổ thông quá nhỉ? Nhưng đó là sản phẩm của ứng dụng công nghệ Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ, với các nhóm nghiên cứu vi sinh, y sinh, cơ điện tử, phù hợp với thị trường Việt Nam xét về mặt chi phí”.

    TS Hùng tiếp lời: “Làm gì thì làm, cũng phải có chuyên môn, chuyên nghiệp, theo mô hình khép kín, từ R&D cho đến thương mại hóa sản phẩm. Do đó, để đáp ứng nhu cầu này, chúng tôi mới thành lập trung tâm Thương mại hóa CIRTech”.

    Làm khoa học không mưu cầu ai đó cho mình một đặc ân

    Mở cửa “tháp ngà“ - giới thiệu hoạt động của trung tâm để “hấp dụ“ sinh viên đến với nghiên cứu khoa học, tìm nguồn nhân lực cho tương lai - thời gian qua, CIRTech đã làm được 4 việc cơ bản: Hỗ trợ các lớp nâng cao kiến thức nghiên cứu khoa học (5 khóa) sinh viên, Hỗ trợ thực tập trước khi tốt nghiệp trong các dự án của trung tâm có trả lương khoán, Hỗ trợ các hoạt động nghiên cứu gắn kết giữa sinh viên với các đại học trên thế giới, Hỗ trợ học bổng tham gia chương trình đào tạo chuyên gia của Intel...

    “Chúng tôi không muốn lãng phí tuổi thanh xuân của các bạn trẻ. Không muốn họ vướng phải những khó khăn mà ở chừng mực nào đó chúng tôi đã từng vướng phải, quý những năm tháng thanh xuân dành cho việc học hành, nghiên cứu… do đó, chúng tôi có hoài bão và mong muốn góp phần nhỏ trong việc tạo cho các bạn trẻ bệ phóng tốt nhất có thể, để họ làm tốt hơn công việc của mình, phát hiện ra khả năng, sở trường của mình trong nghiên cứu khoa học…” - TS Đức chia sẻ.

    Còn với TS Nguyễn Xuân Hùng: “Thực ra, sinh viên, hay một nhà nghiên cứu, khi làm công việc của mình, đến một lúc nào đó sẽ có tình yêu với công việc đang theo đuổi, và một khi không làm, thấy nhớ lắm, thấy thiếu cái gì đó. Vì cũng đã trải qua những kinh nghiệm thương đau trong nghiên cứu khoa học, khi làm ở nước ngoài hay trong nước trước đó, vì vậy, chúng tôi thấy rằng, nếu sinh viên được cuốn vào sự say mê nghiên cứu khoa học, thì lúc đó, không cần phải nói với họ, phải học thế này, phải học thế kia, họ sẽ trải nghiệm, có thể sẽ gặp thương đau, họ sẽ thấy cần tiếp tục làm gì. Tình yêu trong nghiên cứu sẽ lớn dần lên, lúc đó, làm nghiên cứu khoa học, không phải vì cho mục đích cá nhân, mà làm vì lý tưởng, vì sự dấn thân, làm để đạt được mục tiêu có tính chất xã hội, thấy rằng mình cũng phải có trách nhiệm với xã hội, không phải là làm gì to tát mà làm những gì đó thật thiết thực, xã hội sử dụng được - điều này đến tự nhiên lắm. Không thể mưu cầu làm khoa học để ai đó cho mình một đặc ân…”.

    * Tháng 11.2016, Thomson Reuters (hcr.stateofinnovation.thomsonreuters), đã công bố danh sách 3.266 nhà khoa học thuộc 21 chuyên ngành khoa học tự nhiên và khoa học xã hội có công bố có hệ số trích dẫn cao (Highly Cited Papers). Danh sách các nhà khoa học thuộc tốp 1% được trích dẫn nhiều nhất này được Thomson Reuters xác định dựa trên cơ sở các chỉ số khoa học cốt lõi (Essential Science Indicators ESI)1 của tổng số 128.887 bài báo có hệ số trích dẫn cao trong giai đoạn từ năm 2004 đến năm 2014. Năm 2016, có 5 người Việt đứng trong nhóm 1% các nhà khoa học thế giới có ảnh hưởng trích dẫn cao theo danh sách trên. Năm 2016 cũng là năm thứ ba liên tiếp, PGS-TS Nguyễn Xuân Hùng có mặt trong danh sách này... Đến nay, PGS Hùng có hơn 100 công bố trên các tạp chí ISI (Theo Tia Sáng).
    Làm khoa học một cách tỉnh táo ở Việt Nam, theo các anh, có nghĩa là sao?

    * TS Nguyễn Xuân Hùng: “Luôn phải có lối thoát dự phòng, nghĩa là cùng lúc có vài ba giải pháp để khi vì những lý do nào đó, tính khả thi của một giải pháp không đạt, còn tiếp tục theo đuổi giải pháp khác, sẽ không bị mất trắng tất cả. Làm theo duy nhất một giải pháp, rất có thể đi vào ngõ cụt”.

    * TS Nguyễn Ngọc Đức: “Phải có sẵn kiến thức tốt trong đầu, sản phẩm hoàn thiện sẵn trong tay, phải có tiềm lực, phải có kế hoạch rõ ràng, chi tiết, chặt chẽ được ghi nhận, phải có hạ tầng vững chắc… (như, hỗ trợ của Chính phủ, của nhà đầu tư…) thì mới nghĩ đến mục tiêu dài hạn để thực hiện”.

    “Trên con đường nghiên cứu, ở đâu, giai đoạn nào, tôi cũng đều cố gắng làm được một điều gì đó tốt nhất trong khả năng của mình.Nhưng tôi không muốn giấu giếm một sự thật này: Nỗi khát khao nghiên cứu, làm khoa học đã khiến tôi đôi khi và nhiều khi thực sự không cảm thấy… hạnh phúc. Không hạnh phúc ở đây, không phải do môi trường tôi đang làm không đáp ứng cho tôi một số điều kiện không tốt, mà tôi cảm thấy rằng, đáng lẽ mình, trong năm tháng tuổi trẻ hiện nay của mình, mình có thể làm được một số điều tốt hơn, có giá trị hơn nữa. Khi làm một công việc tôi cảm thấy hạnh phúc, tôi sẽ làm hiệu quả công việc ấy” .     TS Nguyễn Xuân Hùng


    n“Về đời sống vật chất, tôi nói rất thật, nếu cảm thấy khổ quá, áp lực quá về tiền bạc, tôi cũng phải đi làm kiếm tiền. Nhưng đến một lúc nào đó, mức nào đó, vật chất không còn ảnh hưởng tới mình nữa, thì muốn làm điều gì đó cho tâm hồn của mình. Cho chính mình trước nhất. Mấy anh em chúng tôi nói với nhau, giảm thiểu nhu cầu vật chất, làm việc cho tâm hồn. Nói chấp nhận hy sinh thì hơi lớn lao, nhưng là chấp nhận đánh đổi: Đánh đổi nhu cầu vật chất, vì mức độ thỏa mãn nhu cầu của mỗi cá nhân là khác nhau, nhưng được về nhu cầu tinh thần. Làm ra sản phẩm, tạo ra giá trị gia tăng, dù nhỏ, nhưng cho cộng đồng, nhiều người cùng hưởng, đương nhiên trong đó sẽ có mình. Làm khoa học, tôi nghĩ, có những thứ chỉ tuổi trẻ mới làm được thôi. Không thể phí hoài những năm tháng thanh xuân”.     TS Nguyễn Ngọc Đức


    Nguyễn Thị Thuỳ Ân
    Báo Lao động

     
    14560726
    Các tin khác
    HUTECH đón tiếp và làm việc với đại diện Indian of Technology (IIT) Gandhinagar (Ấn Độ) Sáng 02/5, Viện Đào tạo Quốc tế HUTECH vừa có buổi làm việc với đại diện Indian of Technology (IIT) Gandhinagar (Ấn Độ), qua đó, hai đơn vị hướng...
    HUTECH bàn giao công trình Sân chơi thiếu nhi tại địa bàn xã Hoà Tân, TP. Cà Mau Với mong muốn mang đến không gian vui chơi mới cho các em thiếu nhi thuộc địa bàn xã Hoà Tân, TP. Cà Mau, Phòng Công tác sinh viên HUTECH đã bàn...
    Giải Bóng chuyền hơi Nữ HUTECH mở rộng năm 2024 sẽ diễn ra vào ngày 05/5 tới đây Ngày 05/5 tới, HUTECH sẽ đăng cai tổ chức Giải Bóng chuyền hơi Nữ HUTECH mở rộng năm 2024 - Dragon Cup với 25 đội thi đến từ TP.HCM và các tỉnh khu...
    Ấm áp chương trình họp mặt cựu sinh viên Khoa Xây dựng HUTECH Ngày 27/4, Khoa Xây dựng HUTECH đã tổ chức chương trình họp mặt dành cho cựu sinh viên nhân dịp kỷ niệm 29 năm ngày thành lập Trường. Đây là dịp để...
    Hành trình “Về nguồn” ý nghĩa tại Bà Rịa - Vũng Tàu của Đảng viên Chi bộ 7 HUTECH Vừa qua, Chi bộ 7 thuộc Đảng bộ HUTECH đã có chuyến đi “Về nguồn" tham quan, dâng hương ở tượng đài, đền thờ các anh hùng dân tộc tại vùng đất Bà...
    [Video] Khoa Kiến trúc - Mỹ thuật HUTECH kết nối doanh nghiệp và họp mặt cựu sinh viên Ngày 27/4, Khoa Kiến trúc - Mỹ thuật HUTECH đã tổ chức buổi kết nối doanh nghiệp và họp mặt cựu sinh viên khoa tại Thu Duc Campus. Đây là dịp để...
    widget avatar
    Đại học HUTECH

    HUTECH chào bạn!
    Mời bạn gửi thắc mắc của mình tại đây để được giải đáp nhanh chóng nhé!

    ×