Hội thảo “Các phương pháp dạy tiếng Nhật hiệu quả” do Viện Công nghệ Việt - Nhật (VJIT) Trường Đại học Công nghệ TP.HCM (HUTECH) tổ chức ngày 6/11 đã tạo cơ hội để giảng viên Viện chia sẻ và tìm hiểu các phương pháp giảng dạy mới, giúp nâng cao chất lượng giảng dạy tiếng Nhật cho sinh viên.
Hội thảo giúp giảng viên VJIT chia sẻ và tìm hiểu các phương pháp giảng dạy mới cho sinh viên
Với chuyên đề đầu tiên "Phương pháp giảng dạy tiếng Nhật hiệu quả cho sinh viên VJIT", ThS. Nguyễn Thị Phong Nhã - Giảng viên VJIT đã trình bày về lịch sử các phương pháp giảng dạy ngôn ngữ. Diễn giả nhấn mạnh rằng các phương pháp này luôn gắn liền với các trào lưu trong ngôn ngữ học, tâm lý học và sư phạm học trên thế giới. Theo nghiên cứu của Celce-Murcia (1991), một phương pháp giảng dạy hiệu quả phải dựa trên ba yếu tố: bản chất của ngôn ngữ, đặc điểm người học, và mục tiêu giảng dạy.
Các phương pháp truyền thống như dịch ngữ pháp và phương pháp trực tiếp đều có những ưu, nhược điểm và cần được kết hợp linh hoạt để đáp ứng nhu cầu của sinh viên không chuyên ngôn ngữ. Hiện tại, sinh viên không chuyên ngôn ngữ tại VJIT gặp nhiều khó khăn khi phải học thêm tiếng Nhật. Vì vậy, chương trình đào tạo hiện tại cần có sự cải tiến để mang lại hiệu quả tốt hơn.
ThS. Nguyễn Thị Phong Nhã trình bày phương pháp giảng dạy ngôn ngữ
Tiếp theo, ThS. Tiết Thụy Tường Vy - Giảng viên VJIT giới thiệu phương pháp “Sketchnote” - kỹ thuật ghi chú sáng tạo kết hợp chữ viết và hình vẽ đơn giản. Sketchnote giúp sinh viên ghi nhớ ý chính mà không cần ghi chép quá chi tiết, giúp giảm thiểu thời gian ghi bài để tập trung vào lắng nghe lời giảng. Các bố cục phổ biến của Sketchnote như bố cục tự do, tuyến tính, hoặc dạng bản đồ tư duy (mindmap) đều giúp tăng hiệu quả học tập, đồng thời khuyến khích sinh viên sáng tạo và đa dạng hóa cách ghi nhớ kiến thức.
ThS. Tiết Thụy Tường Vy giới thiệu phương pháp “Sketchnote”
Cuối cùng, ThS. Phan Thị Nga - Giảng viên VJIT trình bày phương pháp “Ngữ pháp dịch thuật”. Đây là phương pháp giúp sinh viên cải thiện vốn từ vựng tiếng Nhật qua các hoạt động dịch thuật và phân tích ngữ pháp chi tiết. Cô cũng lưu ý một số lỗi phổ biến khi học từ vựng như học thuộc lòng mà không xem xét ngữ cảnh sử dụng, không chú ý phát âm và trường âm,… Việc kết hợp song ngữ trong học từ vựng và phân tích cấu trúc câu giúp sinh viên hiểu sâu hơn và dễ dàng áp dụng kiến thức đã học vào thực tế thực hành.
ThS. Phan Thị Nga trình bày phương pháp “Ngữ pháp dịch thuật” Với phần trình bày "Sử dụng trò chơi và các thủ thuật trong việc dạy từ vựng", ThS. Đỗ Xuân Hồng đã nhấn mạnh việc sử dụng trò chơi và các thủ thuật sáng tạo trong dạy từ vựng tiếng Nhật giúp tăng tính thú vị và hiệu quả trong quá trình học tập. Những trò chơi như bingo từ vựng, đố vui hoặc ghép đôi từ với hình ảnh không chỉ giúp sinh viên nhớ lâu mà còn khuyến khích sự tương tác giữa các thành viên trong lớp. Bên cạnh đó, thủ thuật như liên tưởng từ vựng với ngữ cảnh cụ thể hoặc chia từ thành từng phần nhỏ để dễ nhớ cũng hỗ trợ sinh viên nắm bắt từ vựng nhanh chóng và hứng thú hơn.
ThS. Đỗ Xuân Hồng với phần trình bày "Sử dụng trò chơi và các thủ thuật trong việc dạy từ vựng"
Hy vọng qua hội thảo, các thầy cô sẽ có thêm nhiều phương pháp giảng dạy mới cho các bạn sinh viên
Hội thảo "Các phương pháp dạy tiếng Nhật hiệu quả" đã mang đến cho giảng viên VJIT những kiến thức hữu ích và cập nhật các phương pháp giảng dạy mới. Những chia sẻ từ các giảng viên sẽ góp phần cải thiện chất lượng giảng dạy tiếng Nhật, giúp sinh viên tiếp cận ngôn ngữ một cách dễ dàng và hiệu quả hơn.
Tin: Thanh Hòa
Ảnh: Tiến Đạt
TT. Truyền thông